Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng lên mức 5,4% trong tháng 1, so với một năm trước đó. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2011, theo công bố sáng nay của Cục Thống kê Quốc gia nước này. Đây cũng là mức lạm phát cao hơn dự đoán của các nhà kinh tế, vượt cả mức 4,5% của tháng 12/2019.
Dong Lijuan, nhà phân tích của Cục Thống kê, cho biết, CPI tháng trước tăng bởi nhu cầu hàng tiêu dùng tăng trong Tết Nguyên đán và sự bùng phát của nCoV. Ông Dong nói, CPI Hồ Bắc thậm chí vượt xa con số trung bình cả nước.
Tuy nhiên, người dân địa phương còn cảm thấy sốc hơn với giá cả hàng hóa, dịch vụ so với dữ liệu được công bố chính thức. Họ nói rằng, hoạt động mua bán đã "hoảng loạn" tại Vũ Hán khi chính quyền phong tỏa thành phố từ ngày 23/1.
Theo Liu Xuezhi, chuyên gia kinh tế tại Bank of Communications (Trung Quốc), tác động của dịch viêm phổi đối với hoạt động tiêu dùng có khả năng lớn hơn so với những gì dữ liệu về CPI tháng 1 đã thể hiện. Ông dự doán, lạm phát tháng 2/2020 có thể giảm vì nguồn cung hàng hóa được phục hồi.
Giống như nhiều người trong tâm chấn, Wang Xuan, 36 tuổi, giáo viên tại một trường đại học ở Vũ Hán, hiếm khi bước ra khỏi căn hộ kể từ khi thành phố bị phong tỏa. "Những thứ khác chắc chắn đắt hơn nhưng chúng tôi rất vui khi có thức ăn để mua", cô Wang nói.
Cô cho biết các thành viên trong gia đình ban đầu sống nhờ thực phẩm mà họ chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ít nhất là cho đến khi các quan chức địa phương bắt đầu đảm bảo cung cấp thực phẩm tươi vào tháng 2.
Một số người dân Vũ Hán khác, do sợ nhiễm virus tại các siêu thị địa phương nên chuyển sang mua thực phẩm từ những người bán rong. Một số người nói rằng vài loại rau tươi có giá đến 140 nhân dân tệ (20 USD) một kg, so với khoảng 20 nhân dân tệ trước khi dịch bệnh bùng phát.
Trên toàn quốc, giá lương thực trong tháng 1/2020 đã tăng 20,6% so với một năm trước đó, tăng tốc từ mức tăng 17,4% trong tháng 12/2019. Giá thịt heo, đã tăng trong hầu hết nửa cuối năm 2019 do dịch tả heo châu Phi, đã leo thang trở lại sau khi có tín hiệu hạ nhiệt vào tháng 12 năm ngoái.
Cụ thể, giá thịt heo đã tăng 116% trong tháng 1/2020 so với một năm trước đó, so với mức tăng 97% của tháng 12. Chỉ riêng giá thịt heo đã thúc đẩy lạm phát tiêu dùng tổng thể tăng 2,76 điểm phần trăm trong tháng rồi. Giá phi thực phẩm, chẳng hạn như dịch vụ và chi phí sinh hoạt khác, cũng tăng tốc.
Tuy nhiên, lạm phát tăng tốc không thể cản trở những nỗ lực của Bắc Kinh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi virus corona tấn công. Bắc Kinh đã tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế, vốn đang quay cuồng với việc giảm mạnh chi tiêu trong mùa bùng nổ truyền thống và nhà máy thì đóng cửa trong thời gian dài. Các nhà chức trách nói đang ưu tiên tăng trưởng hơn các mục tiêu chính sách khác, chẳng hạn như kiểm soát nợ và lạm phát.
Mặc dù nhu cầu yếu hơn có thể kiềm chế lạm phát, một trường hợp nhiễm cúm gia cầm thứ hai ở Trung Quốc, được công bố vào cuối tuần qua ở tỉnh Tứ Xuyên, đang làm tăng mối lo ngại về giá gia cầm tăng. Trước đó, hồi đầu tháng, ổ cúm đầu tiên được xác nhận tại tỉnh Hồ Nam.
Giữa cơn ảm đạm, Trung Quốc vẫn có một tin tốt. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0,1% trong tháng 1/2020 so với một năm trước đó. Đây là lần đầu tiên PPI thoát khỏi giảm phát trong 7 tháng. Hồi tháng 12/2019, PPI giảm 0,5% và các chuyên gia kinh tế cho rằng kết quả tháng 1 sẽ không thay đổi.
Phiên An (theo Wall Street Journal)