Khảo sát tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, giá cá tra thương phẩm bán ra đang ở mức 29.000-30.000 đồng một kg, trong khi đó hồi đầu năm chỉ 20.000-21.000 đồng.
Ông Thanh, người nuôi cá tra tại Tiền Giang cho biết, vừa xuất bán gần 2 tấn cá tra với giá 30.000 đồng, thu lãi 10 triệu đồng. "Nếu cứ duy trì mức giá trên, vụ năm nay người nuôi lãi khoảng 5.000-6.000 đồng mỗi kg", ông nói.
Trong khi đó, ông Lam, một hộ nuôi khác tính toán vụ này thu lãi 50 triệu đồng khi xuất 10 tấn cá. Tháng tới, sản lượng cá xuất ao của gia đình ông sẽ có thêm 20 tấn.
"Giá cá tra phục hồi giúp nông dân có vốn để tái sản xuất. Ngược lại, nếu giá quay đầu giảm, người dân sẽ gặp rủi ro vì giá thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu cho đời sống khác đều tăng mạnh", ông Lam bộc bạch.
Giá cá nguyên liệu và thức ăn tăng 10-20% so với năm trước là nguyên nhân chính đẩy giá cá thành phẩm tăng cao. Bên cạnh đó, lãnh đạo một doanh nghiệp thủy sản ở Sóc Trăng cho rằng, hiện các công ty thủy sản vẫn thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào khiến những đơn vị lớn tranh mua... đã đẩy giá cá liên tục đi lên.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam - VASEP phân tích thêm, dịch Covid-19 khiến diện tích nuôi bị thu hẹp, sản lượng cá thương phẩm phục vụ xuất khẩu đợt này bị thiếu hụt cũng góp phần đẩy giá lên cao.
Hội này dự báo giá cá tra sẽ tăng tiếp khi cá tra giống đang tăng liên tục từ 18.000-19.000 lên 40.000-45.000 đồng một kg (loại 30 con một kg).
Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cũng cho rằng, thời gian tới không chỉ giá tăng mà có thể thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu khi người nuôi treo ao khoảng 15% diện tích so với năm ngoái vì thua lỗ 3 năm liên tiếp, giá thức ăn tăng, vốn đầu tư thiếu hụt...
Hồng Châu