Ông Thành ở An Giang cho biết lỗ cả chục triệu đồng khi nuôi 3 ao cá tra từ đầu năm đến nay dù giá bán tăng 8.000 đồng một kg so với cùng kỳ năm ngoái. "Khi thấy giá tăng, tôi đã rất mừng nhưng sau khi tính toán chi phí, tiền thức ăn, con giống ... thì bị lỗ. Vụ tới gia đình sẽ tiếp tục thu hẹp quy mô, chỉ nuôi khoảng hai ao để chờ qua giai đoạn khó khăn", ông Thành nói.
Các hộ nuôi cá tra tại Đồng Tháp, Cần Thơ...cũng rơi vào cảnh tương tự. Từng là giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), ông Trương Văn Điền cho biết hợp tác xã của ông đã giải tán vì người nuôi bị lỗ liên tục nhiều năm qua. Riêng với gia đình ông hiện vẫn duy trì nuôi nhưng vụ này không có lãi. Bởi giá thành cá tra lên 30.000 đồng một kg, vượt mức giá bán cá thành phẩm hiện tại ở mức 28.000 đồngg.
"Nếu doanh nghiệp thu mua không tăng giá lên nữa, nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu cho chế biến thủy sản có thể xảy ra do diện tích nuôi cá tra đang ngày càng giảm mạnh", ông Điền cảnh báo.
Nhìn nhận diễn biến này, ông Trần Anh Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cho rằng do các chi phí đầu vào như giá thức ăn thủy sản, chi phí con giống và nguyên vật liệu...leo thang khiến giá thành nuôi cá tra tăng 35% so với cùng kỳ 2021.
Ông Dũng dẫn chứng, chi phí thức ăn chiếm 75-80% giá thành cá tra và đã tăng 4-6 lần từ đầu năm đến nay. Tiếp đến là giá con giống nhiều thời điểm tăng gấp đôi. Giá bán các vật tư đầu vào khác như thuốc, hóa chất xử lý môi trường, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học cũng tăng từ 20-30% khiến giá thành sản xuất cá bị đội lên.
Hiện xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc đang chậm lại, giá cá tra thương phẩm trong nước đã giảm so với tháng 5. Điều này càng khiến người nuôi lo lỗ lớn khi giá sản phẩm có nguy cơ giảm trở lại. Hiện toàn tỉnh An Giang có 1.235 ha nuôi cá tra và diện tích khó mở rộng do quỹ đất tại tỉnh đã hết. Nếu giá sản phẩm vẫn ở mức thấp, hộ nuôi sẽ khó duy trì sản lượng.
Báo cáo của Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản - VASEP cho thấy việc thiếu nguyên liệu đang là thách thức lớn nhất với xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, thiếu hụt này có thể là khó khăn ngắn hạn, các doanh nghiệp phải nỗ lực phát triển chuỗi giá trị bền vững để tránh thiếu nguyên liệu đầu vào trong tương lai.
Trong báo cáo của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm, diện tích thả nuôi cá tra đạt 3.105 ha, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng thu hoạch đạt 771.430 tấn, tăng 6% cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu đến hết ngày 30/5 đạt 1,21 tỷ USD, tăng 89,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thi Hà