Anh Tuấn, một hộ nuôi cá ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) chuẩn bị xuất bán hai hầm cá hơn 1.000 tấn. Đây là loại cá có trọng lượng trên một kg được anh xuất bán cho thị trường Trung Quốc với giá 30.000 đồng mỗi kg.
Với giá thành 25.000 đồng một kg, tính ra anh sẽ lãi 5 tỷ đồng cho vụ này. "Lỗ ba năm liên tiếp, giờ tôi mới gỡ gạc lại được phần nào", anh Tuấn cho biết.
Đối với cá trọng lượng 0,7 - 1 kg xuất sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp đang thu mua với giá 32.000 đồng, tăng từ 6.000-8.000 đồng so với trước Tết.
Lý giải giá cá tra tăng cao, nhiều nông dân cho rằng nguồn cung khan hiếm khi nhiều hộ nghỉ nuôi do lỗ liên tục, đứt vốn.
Giá cá tăng cao, song anh Tuấn lo lắng cho vụ nuôi kế tiếp khi giá thức ăn đang tăng 40%, lên 14.000 đồng một kg. Cá giống cũng tăng gấp đôi, lên 60.000 đồng một kg. Sau 10 tháng nuôi, giá thành mỗi kg cá vào khoảng 27.000 đồng. Nếu thời gian tới, giá cá thành phẩm quay đầu giảm khi nguồn cung dồi dào, người nuôi sẽ đối diện nguy cơ lỗ.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp Hội cá tra Việt Nam cũng khuyến cáo, các địa phương cần kiểm soát diện tích ao nuôi, tránh thả nuôi ồ ạt, thiếu liên kết với doanh nghiệp, dẫn đến cung vượt cầu. Khi đó, có thể dẫn đến tình trạng giá cá giảm mạnh.
Trong năm 2021, diện tích thả nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long trên 5.856 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,52 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,62 tỷ USD. Trong năm 2022, ngành cá tra dự kiến sản lượng thương phẩm đạt trên 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD.
Ngọc Tài