Giá cá sấu sống đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, khoảng 230.000 đồng/kg, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao, người nuôi đang có lợi nhưng cũng cảnh báo nhiều hệ lụy khi Trung Quốc đang là thị trường chính tiêu thụ mặt hàng này.
Ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty Cá sấu Hoa Cà (quận 12, TP HCM) cho biết đang có tình trạng thương lái phía Bắc mua vét cá sấu sống. “Nếu trước đây, họ chỉ mua cá hơn 10kg một con để lấy thịt thì nay cá nhỏ 2-3 kg một con họ cũng mua, không biết để làm gì", ông Hưng nói.
Theo ông, đặc điểm của nghề nuôi cá sấu là có người chuyên nuôi cá bố mẹ ấp nở bán cá con, người chuyên nuôi cá con đến một tuổi, sau đó bán cho người nuôi cá lấy thịt (1-2 năm sau). Khi cá nhỏ bị mua vét thì một năm nữa sẽ không có cá lớn 20kg để làm thuộc da, ảnh hưởng rất lớn đến ngành này. "Hiện Công ty Cá sấu Hoa Cà không mua thêm được nguồn từ các hộ dân bên ngoài nên phải giữ lại đàn, dù giá có lên cao cũng không bán để bảo đảm nguyên liệu sản xuất sau này”, vị giám đốc cho hay.
Tương tự, ông Bùi Văn Đa - chủ một trại nuôi cá sấu lớn ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - cũng nhận thấy tình trạng khan hàng khi các đầu nậu ngày nào cũng gọi điện liên tục hỏi mua cá nhưng không có hàng để bán. “Giá cá sấu tăng liên tục trong một năm qua và tăng mạnh nhất trong 2 tháng gần đây, từ 150.000 đồng lên 230.000 đồng một kg. Điều đặc biệt là năm nay thương lái chấp nhận mua 'xô', không tuyển cá lớn hơn 15kg và lành lặn như trước”.
Thương lái gom cá sống giá cao đang khiến ngành thuộc da cá sấu rơi vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu, giá thành cao, nhất là các cơ sở không có trại nuôi. Đại diện một công ty chuyên chế biến các sản phẩm từ da cá sấu cho biết đang phải thu gọn quy mô sản xuất xuống còn một nửa để cầm cự vì không chịu nổi giá nguyên liệu lên cao đến 70%-80%, đẩy giá đầu ra tăng 50% nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Khảo sát tại một cửa hàng thời trang chuyên da cá sấu thật trên địa bàn quận I, TP HCM cho thấy giá tăng so với trước Tết, loại rẻ nhất là móc khóa cũng tăng từ 29.000 đồng lên 39.000 đồng, túi xách một số loại lên trên 20 triệu đồng một chiếc, thắt lưng 1,8-1,9 triệu đồng, ví từ 2-5 triệu đồng. Nhìn chung, giá các sản phẩm đều tăng khoảng 20% nên bán chậm hơn trước.
Trong khi đó, đại diện Hội Nông dân TP HCM cho rằng nên xem việc cá sấu được giá là tin mừng cho người nuôi vì khoảng 3 năm về trước, người nuôi cá sấu bị lỗ rất nhiều. Theo tính toán, với giá cá thịt xuất chuồng hiện nay, người nuôi có thể lãi trên 2 triệu đồng một con loại 15 kg do lúc mua cá giống trước đây chỉ hơn 300.000 đồng.
Ông Nguyễn Đình Cương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP HCM, đơn vị quản lý chính về cá sấu - cũng có nhận định tương tự. Theo ông, cá sấu là động vật quý hiếm nhóm 1B nên khi nuôi, mua bán, vận chuyển đều phải khai báo với kiểm lâm. Theo dõi số liệu từ đầu năm đến nay cho thấy ngoài giá tăng cao thì số lượng cá sấu xuất bán không có bất thường, tổng đàn không bị giảm mà còn tăng khoảng 5%. Có thể do thiếu thông tin tổng thể cũng như giá tăng cao nên nhiều người nghĩ do hụt đàn.
Khi hỏi liệu có bán “chui” hay không, ông Cương cho biết cũng có thể nhưng chỉ những trường hợp số lượng nhỏ, xuất bán trong nội thành TP HCM. “Nếu vận chuyển đi các tỉnh, các đơn vị đều phải qua kiểm lâm làm giấy tờ (không mất phí) để đi đường vì không ai bỏ ra số tiền lớn mua hàng rồi để bị xử lý tịch thu, phạt tiền cả!” - ông Cương phân tích.
Có kinh nghiệm nuôi cá sấu hơn 20 năm, ông Bùi Văn Đa dự báo với giá thịt hiện nay thì cá sấu giống sắp tới có thể lên đến 600.000-700.000 đồng/con trong khi không thể dự đoán được 2 năm nữa, đến tuổi xuất chuồng, giá sẽ ra sao. Vì thế, nếu đổ xô vào nuôi sẽ không tránh khỏi tình trạng rớt giá thê thảm như trước đây. “Chuyện thương lái Trung Quốc đẩy giá mua lên, đợi người dân nuôi nhiều rồi dìm xuống đáy trước giờ đã nhiều lần xảy ra chứ không phải nay mới có” - ông Đa cảnh báo.
Dưới góc độ quản lý, ông Cương cho biết thực tế giá cá sấu không ổn định, có lúc xuống dưới 100.000 đồng một kg, người nuôi lỗ rất nhiều. Vì thế, với người nuôi đã có kinh nghiệm thì không sao nhưng với người mới phải hết sức thận trọng. Hằng năm, Chi cục Kiểm lâm TP đều có các đợt tập huấn về chăn nuôi cá sấu nên những ai có ý định nuôi cá sấu thì có thể đến đây tìm hiểu trước để bảo đảm an toàn cho đồng vốn của mình.
Do điều kiện tự nhiên thuận lợi nên tại TP HCM, cá sấu là loài dễ nuôi, hoàn toàn sinh sản và nuôi lớn lên từ trong trại nuôi, nguồn thức ăn chủ yếu là cá biển có giá thành thấp. 80% giá trị của cá sấu nằm ở bộ da, hơn 10% từ thịt, còn lại là từ xương dùng để nấu cao. Ngoài ra, nuôi cá sấu còn có thể kết hợp kinh doanh du lịch - ăn uống giải trí. Hiện TP HCM có 53 tổ chức, cá nhân nuôi cá sấu với tổng đàn gần 173.000 con các loại. |
Theo Người lao động