Những ngày đầu năm 2025, thị trường nông sản tại các tỉnh Tây Nguyên ghi nhận biến động tích cực, nhất là giá cà phê và hồ tiêu tăng mạnh. Ngày 8/1, giá cà phê trong nước tăng 300-500 đồng mỗi kg, lên 120.300-121.000 đồng. Trong đó, Đăk Nông và Đăk Lăk ghi nhận giá cà phê đạt mức cao nhất là 121.000 đồng một kg.
Không chỉ cà phê, giá hồ tiêu cũng đi lên, chạm 150.500 đồng một kg - mức cao nhất 9 năm, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường quốc tế, giá nông sản này cũng đồng loạt tăng. Tại sàn New York, giá cà phê Arabica tăng 0,57% đến 0,67%, với kỳ hạn giao hàng gần nhất vào tháng 3/2025 đạt 7.070 USD một tấn, tăng 40 USD. Giá Robusta vượt mốc 5.000 USD một tấn.
Hồ tiêu trên thị trường quốc tế đã vượt mức 6.800 USD một tấn với tiêu đen và gần 9.000 USD một tấn với tiêu trắng.
Đại diện Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam lý giải nguyên nhân giá tăng mạnh là do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu và khô hạn làm suy giảm sản lượng, trong khi việc chuyển đổi cây trồng cũng góp phần đẩy giá lên cao.
Ngoài ra, xung đột toàn cầu đã gây áp lực lên chuỗi cung ứng, đặc biệt khi nông dân giữ hàng chờ giá tốt sau vụ thu hoạch.
Với hồ tiêu, nguồn cung từ Ấn Độ suy giảm mạnh do biến đổi khí hậu. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 đạt 533.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với năm trước. Tại Việt Nam, sản lượng giảm 20.000 tấn, còn 170.000 tấn. Tuy nhiên, dự báo năm 2025, sản lượng hồ tiêu Việt Nam có thể phục hồi lên 200.000 tấn, trong khi Ấn Độ dự kiến giảm 25-30% do thời tiết bất lợi.
Việt Nam tiếp tục giữ vai trò nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất thế giới. Dù sản lượng cà phê giảm 15% trong năm 2024 do khô hạn, giá trung bình tăng 57%, đạt kỷ lục 4.037 USD một tấn. Kim ngạch xuất khẩu cà phê năm ngoái đạt 5,5 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước.
Tương tự, hồ tiêu năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1,4 tỷ USD, tăng 45,4% dù lượng xuất khẩu giảm 5,1%. Đà tăng này dự báo còn tiếp diễn, với giá cà phê trong nước có khả năng tăng nhẹ do ảnh hưởng từ thị trường quốc tế.
Hồng Châu