Những đợt sốt đất để lại nhiều biến động về giá cho thị trường đất nền ven biển miền Trung. Riêng 2 năm qua, phân khúc này thu hút nhiều đại gia địa ốc TP HCM đổ về do đô thị lớn nhất miền Nam đang gặp chướng ngại vật là pháp lý dự án giẫm chân tại chỗ. Nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tăng lên đã khiến nhiều dự án ven biển được bán có biên độ tăng giá mạnh chưa từng có.
Cách đây 5 năm, dọc theo trục đường Nguyễn Tất Thành thuộc Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), một số dự án đất nền được tung ra với giá khá thấp, việc bán hàng cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, trong 3-4 năm sau đó, giá đất nền ven biển Cam Ranh đã không ngừng tăng tốc theo những cơn sốt đất, trong đó có những dự án tính từ lúc mở bán lần đầu đến nay đã tăng gấp 3-5 lần, thậm chí có vị trí tăng gấp 10 lần.
Đơn cử một dự án quy mô lớn ven biển, nằm dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành, khi tung sản phẩm lần đầu ra thị trường giá trung bình chỉ khoảng 3,6 triệu đồng mỗi m2. Hiện nay, giá đã vọt lên mức trung bình 18-25 triệu đồng mỗi m2. Riêng đất mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành, giá giao dịch nhảy lên mức 40 triệu đồng mỗi m2.
Trước quý II, cơn sốt bất động sản liền thổ ven biển cũng lan tới Bình Thuận. Một dự án quy mô 1.000 ha tại Phan Thiết do một đại gia địa ốc TP HCM đầu tư chào bán biệt thự biển 200-240 m2 lên đến 5,5-6,5 tỷ đồng một sản phẩm. Dự án này đã thiết lập mặt bằng giá mới cho thị trường đất mặt tiền biển Phan Thiết, tăng 3-5 lần so với cột mốc 2015.
Tại Mũi Né, các lô đất gần biển có giá trung bình mua đi bán lại trên thị trường vọt 20-30 triệu đồng hồi quý II/2019 dù trước Tết chỉ 14 triệu đồng mỗi m2. Các khu đất trên đường Huỳnh Thúc Kháng ghi nhận giá chào bán lô lớn 13-14 triệu đồng mỗi m2, mức này đã tăng gấp 2-3 lần so với giai đoạn 2016.
Tương tự, những thị trường lâu nay được biết đến là thủ phủ du lịch biển của Việt Nam như Nha Trang hay Đà Nẵng cũng tăng giá đất ven biển 2-3 lần so với cách đây 4-5 năm và hiện vẫn neo ở giá cao dù các cơn sốt đã lắng xuống.
Trong 6-8 tháng qua, quỹ đất ven biển tại Quy Nhơn cũng đón nhiều làn sóng đầu tư mới. Một số khu vực như Quy Nhơn, Nhơn Hội, Nhơn Lý của tỉnh Bình Định được khá nhiều nhà đầu tư TP HCM và Hà Nội đổ bộ vào săn quỹ đất để phát triển các dự án. Từ quý II/2019 đến nay, số đất nền ven biển sổ đỏ tại Nhơn Hội và Quy Nhơn được tung ra thị trường không dưới 3.000 nền.
Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Công ty Danh Khôi (DKR), sở dĩ bất động sản liền thổ tại các trục đường ven biển hiện nay leo thang sau những cơn sốt đất và neo ở giá rất cao là nhờ tiềm năng khai thác du lịch biển có giá trị lớn. Thêm vào đó, hầu như những ai đã sở hữu đất mặt tiền biển đều không có nhu cầu bán lại.
Bất động sản liền thổ ven biển trong những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ nhờ đòn bẩy tăng trưởng du lịch ấn tượng và hạ tầng liên vùng ngày càng kết nối tốt hơn. So với 10 năm trước, tại những cung đường ven biển mà cụ thể là các cung đường tại các Thành phố du lịch của miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn...giá đất còn khá thấp. Đường Võ Nguyên Giáp của của Đà Nẵng, hay đường Xuân Diệu của Quy Nhơn giá đất chỉ nằm quanh mức vài chục triệu đồng mỗi m2, thậm chí thấp hơn.
Song những cung đường này ngày càng khan hiếm và trở thành tài sản trị giá triệu USD, thậm chí tỷ USD khi được phát hiện, tôn tạo và khai thác đúng cách. Thậm chí, có những khu ven biển nằm trong các vịnh biển đắt lên đến gấp hàng chục lần so với trong đất liền.
"Tại các khu vực ven biển đang phát triển mới, giá đất nền luôn có sức hút lớn vì vị trí thuận lợi khai thác kinh doanh, cung ít cầu nhiều nên thường có biên độ tăng giá cao, cũng là xu hướng mang tính tất yếu", ông Sơn phân tích.
Trong khi đó, theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Asia New Time, sự phát triển ngày càng mạnh của hạ tầng, từ hệ thống đường bộ đến đường hàng không giúp cho các vùng biển gia tăng lượng khách du lịch. Đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu trải nghiệm du lịch từ cá nhân, gia đình, bạn bè ngày càng lớn.
Song, một thực tế hiện nay là có sự phát triển không đồng đều giữa các thành phố biển dẫn đến nhiều vùng đất biển vàng bị ngủ quên đang thức giấc. Sau trào lưu đầu tư lướt sóng, xu hướng tích luỹ bất động sản đắc địa có giá trị (thương mại) sẽ bền vững theo thời gian.
Ông Tiến cho biết thêm, một yếu tố khác khiến đất nền ven biển có biến động lớn về giá trong những năm qua còn do tâm lý thích ôm đất đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt.
Vũ Lê