Tôi nghĩ tâm sự trước là bài cuối nhưng đọc các bình luận tôi lại muốn viết thêm. Mong bạn đọc đọc kỹ để hiểu tâm tư của tôi, một người thầy, người anh bất đắc chí.
Đầu tiên, tôi muốn nói rõ rằng bản thân chỉ không nhìn mặt em dâu thứ từ 9 năm nay, còn với em trai thứ tôi đã nói chuyện và qua lại cách đây bốn năm. Tôi viết trong tâm sự trước rằng "từ mặt cả hai" là tại thời điểm xảy ra sự việc, mong bạn đọc đừng hiểu nhầm.
Tôi muốn bộc bạch nỗi lòng, chưa từng có ai lắng nghe tôi. Rồi các bài tâm sự của tôi có hơn 1.000 bình luận, tương đương 1.000 người đã lắng nghe, dù nhiều bình luận cảm tính quá.
Xin nói ra đây câu chuyện đời tôi. Tôi sinh năm 1970, cách em thứ 13 tuổi và cách em út 22 tuổi. Năm 1988, vợ tôi sinh con trai đầu, năm đó vợ 17 tuổi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên vợ chồng tôi mới chính thức đăng ký kết hôn cách đây 10 năm, vì thế tôi chỉ tính là mình lấy vợ được 10 năm thôi, trước đây sống với nhau chứ chưa kết hôn.
Sau người con trai đầu, vợ tôi sinh thêm 3 người con, đứa bé nhất mới 7 tuổi, tất cả đều là con trai. Vợ tôi ngày đó 17 tuổi nhưng đảm đang, tháo vát, bố mẹ vợ rất muốn gả cho nhà tôi vì gia đình tôi nổi tiếng nề nếp, gia phong có tiếng trong làng. Thời xưa phụ nữ lập gia đình rất sớm, vợ tôi 17 tuổi cưới là đã muộn. Từ năm 13 tuổi, mỗi khi nhà tôi có đám tiệc, không cần nhắc nhở, cô ấy đã biết ý sang dọn dẹp, phụ giúp. Tôi rất ưng.
Con trai đầu của tôi sinh năm 1988, hơn chú út 4 tuổi. Hai chú cháu thân thiết vô cùng, lớn lên cùng nhau. Thuở đó bố mẹ tôi đầu tắt mặt tối ở ngoài đồng, sau đó chuyển sang nghề buôn vải nên khoán em thứ và em út cho tôi chăm sóc, dạy dỗ. Em thứ khi đó cũng lớn rồi, còn em út đối với tôi không phải là em nữa, như con tôi vậy. Tôi rất yêu em, chăm bẵm em từ khi còn đỏ hỏn đến lúc trưởng thành. Vậy mà giờ nó không cần người anh này mà chỉ theo vợ thôi.
Con trai cả của tôi, người thân cận nhất và hiểu em út tôi nhất, nói rằng: "Bao nhiêu năm tháng bố dạy cậu bằng roi vọt và kỷ luật thép là lý do khiến cậu rời xa bố đi tìm bình yên bên người vợ vụng nhưng dễ dãi".
Tôi là người nổi tiếng khó tính, nghiêm khắc, không nói chuyện với các em bằng lời mà chỉ nói chuyện bằng roi. Đặc biệt em út còn thua tuổi con tôi, một tay tôi nuôi lớn, tôi càng cho mình cái quyền đánh phạt em mỗi khi sai quấy. Em thứ hai chỉ thua tôi 13 tuổi, lời nói của tôi cũng ít nhiều giảm trọng lượng. Sự khó tính của tôi, tôi thừa nhận, không bào chữa hay biện minh. Tôi dữ có tiếng trong làng nhưng đúng với thuần phong mỹ tục, đúng với những giá trị của ông bà tổ tiên.
Tôi bắt đầu dùng roi dạy em út từ khi em 7 tuổi đến giờ. Trong mắt tôi, nó mãi mãi là một đứa nhỏ cần phải bao bọc, dạy dỗ. Tôi khẳng định: dạy bằng roi là tập tục nơi làng quê tôi sống. Nơi đây con cái hơn 30 hay 40 tuổi đầu mà hư thân vẫn phải nằm sấp ăn roi như thường. Hầu như tuần nào em cũng gây ra chuyện gì đó khiến cho tôi ngứa mắt, thế là lại lấy roi đánh, không muốn nói nhiều. Tôi chỉ có một số yêu cầu nhỏ nhưng em lại không đáp ứng được, trong khi con trai tôi cũng bị áp dụng kỷ cương thép như vậy nhưng con lại làm tốt.
Tôi tự nhận khi nóng giận lên khá mất bình tĩnh, rất dữ đòn, đánh rất nặng, cấm khóc lóc xin xỏ mà phải ngậm mồm hối lỗi khi bị phạt. Những yêu cầu của tôi chỉ có:
Thức dậy đúng 5h sáng để tập thể dục, ngày thường cũng như ngày nghỉ, chậm một phút mà không có mặt ngoài sân là tôi dùng roi gọi dậy.
Sau khi thức dậy phải gấp gọn chăn màn thành hình hộp vuông như khi tôi được huấn luyện trong quân ngũ, 5h sáng có mặt ngoài sân tôi vào kiểm tra chăn màn, nếu chưa kịp gấp sẽ ăn đòn.
Đi học phải đúng giờ, trễ một phút phạt 10 roi, cứ thế nhân lên (giáo viên sẽ báo số giờ đi trễ về cho tôi trong sổ liên lạc).
Đi học xong về ngay nhà, đúng 12h trưa và 6h tối không có mặt ở nhà, trễ một phút phạt 10 roi (tôi ghét nhất trò tụ tập sau giờ học vì lo em đi học về va chạm xe cộ, dù trường gần nhà và em chỉ đi bộ).
Bài kiểm tra 9 điểm phạt 5 roi, dưới 9 điểm là không chấp nhận được, không giới hạn số roi.
Vấn đề chào hỏi và mời cơm: Phải chào và mời từng người một, tôi đã dạy dỗ rất kỹ.
Ăn nói: Dạ, thưa, ạ, phải thật lễ phép, cấm ăn nói trống không, có lần mẹ tôi gọi em thứ hai, em trả lời: "Gì vậy mẹ" bị tôi cho một tát tai ngay bữa cơm, phạt quỳ tới khuya mà không ai dám can thiệp bởi tôi đã dạy phải trả lời: "Dạ, con nghe bố/mẹ/anh/chị ạ".
Học ăn học nói học gói học mở, vụng ở đâu lấy roi khẽ tay ở đấy.
Nói dối, giấu diếm sự thật, chơi điện tử mà không đọc sách thì không giới hạn số roi
Ngoài ra còn các quy tắc khác.
Những quy tắc này con trai đầu của tôi đã được luyện vào kỷ cương và hoàn thành rất tốt. Các con trai khác của tôi cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Riêng em trai út, cả một thời thơ ấu học hành chỉ ở mức tạm được, bài kiểm tra điểm 7-8 nhiều vô kể, về nhà xé trộm bài kiểm tra, nói dối là thầy cô chưa trả, đi học trễ, thức dậy muộn, làm việc gì cũng khiến tôi ngứa mắt (y hệt vợ em bây giờ tôi cũng ngứa mắt vô cùng). Tôi nhớ ít là 3 ngày, nhiều thì 10 ngày em lại bị một trận roi từ tôi. Tôi tức giận không kiểm soát nổi, thừa nhận nhiều lần đã phạt em rất nặng, đánh em xong tôi cũng đau tay. Tôi ngày càng dữ đòn thì em ngày càng lỳ đòn, có đánh cỡ nào cũng không biết đường xin xỏ, chỉ biết nói những câu vô nghĩa. Trong khi chỉ cần biết cách nói chuyện như con trai tôi thì tôi sẽ dịu cơn giận ngay. Ngày hôm sau, em lại cười hề hề như thể không có chuyện gì xảy ra, quên hết những gì tôi vừa dạy.
Trước đám cưới em, tôi đã lên danh sách những khách mời và lật album cho em ôn lại mặt họ hàng từ các nơi khác đến. Tôi là con trai trưởng, cháu đích tôn của dòng họ, nếu để xảy ra sơ suất gì sẽ xấu hổ với bà con họ hàng. Tôi yêu cầu thuộc nằm lòng những ai sẽ có mặt trong đám cưới và con cái của những người bà con xa tên gì, phải xưng hô thế nào cho phải, nếu không tôi lại cho mấy bạt tai trước quan khách thì đừng xấu hổ. Con trai tôi trí nhớ rất tốt, thậm chí còn ngồi chỉ đi chỉ lại cho chú út ai với ai, người nào lấy người nào, sinh ra người nào. Em tôi cứ lớ nga lớ ngớ.
Rồi chính thức đến đám cưới em, em gọi cậu là chú, gọi bác là anh, gọi o là dì, gọi mợ là thím..., bà con phàn nàn với tôi rằng em út không nhớ mặt gia đình, dòng họ. Tôi phải xin lỗi rất nhiều lần họ mới tạm nguôi ngoai.
Ngay sau đám cưới, tôi đánh em một trận rất nặng, phạt quỳ gối cả đêm. Vợ em thấy thế cũng hãi và biết uy tôi, không dám can thiệp vào, bố mẹ cũng sợ tôi. Vậy mà vài hôm sau vợ chồng em vẫn cười hề hề, chào anh chúng em về lại Hà Nội. Đúng là những đứa hời hợt, chắc không thấm nhuần nổi những bài học tôi đã dạy. Tôi thấy dạy chúng nó như nước đổ lá khoai.
Thỉnh thoảng nhìn đứa em ngây ngô bị tôi vả bầm mặt mà cũng có chút hối hận, nhưng tôi tin là mình đúng. Nhờ sự dạy dỗ của tôi, em lớn lên đàng hoàng, đẹp trai nhất nhà, cao lớn vì tôi chăm cho uống sữa tăng chiều cao. Em bây giờ từ nhân cách tới ngoại hình là thành quả của một tay tôi nuôi dưỡng, nhưng tôi rất buồn. Tôi yêu em nhưng em không hề.
Khi em đưa vợ về ra mắt, cười phớ lớ bảo sẽ cưới cô gái này. Tôi yêu cầu phải ở quê, sẽ lo nhà cửa, xe cộ, đất đai, công việc không thiếu gì cả. Nhưng người phản đối không phải là em dâu mà lại chính là em tôi. Em nói muốn ở Hà Nội vì công việc tốt, tuổi trẻ nên phấn đấu. Em hứa sẽ về thăm nhà thường xuyên. Em nói vậy nên sau này tôi bảo riêng em dâu nhiều lần về quê sống, sẽ lo cho ghế văn thư trong trường, em đều lấy cớ không đồng ý. Đó là vì em được chồng "bảo kê" rồi.
Trong lòng tôi buồn đến khó tả. Em trai không hề lưu luyến tôi và gia đình. "Thuyền theo lái, gái theo chồng", nếu em muốn ở với cội nguồn sẽ có đủ lý do để đưa vợ về quê sống. Chính là em không muốn về. Rồi tôi đã hiểu ra, có lẽ kỷ luật thép của mình phần nào khiến em tổn thương.
Con trai tôi là người thân cận và gần gũi nhất với chú út, tôi đã hỏi riêng cháu lý do gì khiến chú út không muốn ở nơi chôn rau cắt rốn. Con tôi chỉ kể có lần chú uống say có bảo: "Bố mi đánh tau đau quá, cái gì cũng chửi mắng tau cả, đụng cái là chửi và là ăn tát, tối tăm mặt mũi, chắc nỏ ưa tau. Tau phải lấy vợ sớm và nỏ ở đây mô".
Không lẽ em không hiểu lòng tôi là chỉ muốn em trở nên tốt hơn? Trước mặt tôi em vẫn cười ngây ngô, nhưng tôi không ngờ em lại dằn vặt trong lòng như vậy.
Con tôi nói, thím út dễ dãi, xuề xòa, đụng việc gì cũng cười ngốc nghếch, lại thương chú út xưa nay bị tôi đánh phạt nhiều nên giờ rất chiều chuộng, chú út có được cảm giác xưa nay chưa từng có, không phải khép nép nhìn sắc mặt như khi sống cùng tôi.
Lẽ nào trong lòng em út không có tôi? Tôi ghét em dâu. Em dâu đã cướp đi người em trai tôi yêu thương hơn cả người con tôi đẻ ra. Tôi không biết nói gì thêm nữa.
Cảm ơn và xin hứa đây là lần cuối cùng trong năm 2021 tôi tâm sự với các bạn. Tôi quá mệt mỏi, không ai lắng nghe tôi cả.
Tùng
Độc giả gọi vào số09 6658 1270để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc