Lãnh đạo của một tổ chức phi lợi nhuận ở New York tiết lộ, tháng 8/2021 cô lần đầu nhận được đơn khiếu nại của nhân viên về yêu cầu phải bật camera trong suốt cuộc họp trực tuyến. Không lâu sau, cô nhận cũng một lá thư khác với lý do tương tự.
"Tôi bị yêu cầu phải bật camera mỗi khi họp online. Họ giải thích đó là chính sách của công ty và một phần của văn hóa công sở nhưng từ lâu tôi đã ghét xuất hiện trước ống kính. Các yêu cầu càng làm tăng sự khó chịu mỗi khi phải họp hành", một nhân viên văn phòng nói. Người này sau đó thậm chí đã phải tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý sau nhiều lần giải thích với công ty về lý do không muốn bật camera, nhưng bất thành.
Giờ đây, nữ nhân viên vẫn phải bật camera nhưng được chấp nhận giấu mặt và chỉ lộ vai. Tuy nhiên, cô luôn cảm thấy khó chịu và đang muốn bỏ việc để tìm kiếm chỗ làm mới.
Câu chuyện một người nào đó phải vật lộn với yêu cầu bật camera trong các cuộc họp không ít. Một số người mô tả yêu cầu này khiến họ khó tập trung vào công việc và dễ gây cảm giác khó chịu khi lộ không gian sống.
"Bật camera khi họp trên Zoom có thể gây ra cảm giác mệt mỏi", giáo sư Allison Gabriel tại Đại học Arizona nói, khi họp trực tuyến trên các ứng dụng trở nên thịnh hành, sau hai năm dịch bệnh.
Theo giáo sư, nữ giới chịu áp lực lớn về hình ảnh hơn các đồng nghiệp nam. Các chị em luôn có kỳ vọng cao về mặt ngoại hình mỗi khi xuất hiện trước nhiều người. Điều này khiến họ phải trang điểm hoặc điều chỉnh hình ảnh trên camera sao cho đẹp nhất.
Bên cạnh đó, việc bật camera trong suốt cuộc họp khiến mắt hoạt động liên tục với tầm nhìn gần trong thời gian dài, khiến não bộ luôn căng thẳng. Đặc biệt, bật camera xuyên suốt vô tình gây sự mệt mỏi, căng thẳng với người ngồi trước màn hình, khi luôn phải chú ý biểu lộ cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể.
Lydia Mack, người viết quảng cáo cho các thương hiệu và có công ty khởi nghiệp ở Los Angeles, cho biết bản thân luôn tắt webcam trong các cuộc gọi với khách hàng và đồng nghiệp, vì muốn tập trung.
Nhưng Lydia cũng nhận thấy những mặt trái của cách tiếp cận này. "Nếu đó là cuộc gọi nhóm và tôi là người duy nhất tắt camera trong khoảng thời gian dài, điều này có thể gây ra sự mất tập trung cho người khác và khiến họ tự hỏi tôi có đang lắng nghe", cô nói.
Trái ngược với giả định tắt webcam có thể khiến ai đó xao nhãng công việc, nghiên cứu của giáo sư Gabriel lại chỉ ra, tắt webcam trong các cuộc họp giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Nguyên nhân là người tham gia tập trung vào nội dung thay vì ngoại hình.
Để đối phó với tình trạng gia tăng mệt mỏi khi phải bật camera, các công ty, tập đoàn như Citigroup, Dell và Đại học New York đã thực hiện chính sách "Không Zoom vào thứ 6 hàng tuần" trong đó khuyến khích mọi người tham gia các cuộc họp qua email hoặc điện thoại.
Ứng dụng Zoom mới đây vừa tung ra các công cụ hỗ trợ gồm chia sẻ màn hình hoặc sử dụng bảng trắng (whiteboard) khi trình bày ý tưởng. Cách này giúp thu nhỏ phần hiển thị của camera, người tham gia tập trung vào nội dung thay vì chú ý quan sát vào khuôn mặt của ai đó.
Jeremy Bailenson, giáo sư truyền thông tại Đại học Stanford, đồng thời là giám đốc sáng lập Phòng thí nghiệm Tương tác con người ảo, cũng khuyên các nhà quản lý nên chia cuộc họp thành hai loại: những cuộc họp nhất thiết phải bật camera hoặc chỉ chia sẻ màn hình và trò chuyện bằng giọng nói.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng gợi ý một số phương pháp giúp nhân viên giảm thiểu căng thẳng khi tham gia họp trực tuyến như:
- Rời mắt khỏi máy tính và nghỉ giải lao theo lịch trình.
- Các cuộc họp trực tuyến nên kéo dài tối đa từ 25 phút đến 55 phút, hoặc giảm xuống 20 phút đến 45 phút. Khoảng thời gian nghỉ giúp nhân viên lấy lại tinh thần trước khi bước vào cuộc họp mới.
- Có thể trò chuyện điện thoại hoặc mail thay vì họp online.
- Thử tắt camera khi không cần thiết.
- Thực hiện "ngày không họp nội bộ" để bản thân và nhân viên có thời gian nghỉ ngơi.
- Ngoại trừ những trường hợp đột xuất, các nhà quản lý không nên bố trí lịch họp vào cuối tuần hoặc ban đêm.
Minh Phương (Theo CNN)