Ngày 7/2, Đội trưởng RB Leipzig Willi Orban thông báo sẽ không dự trận đấu Union Berlin ở vòng 20 Bundesliga, sau ca phẫu thuật hiến tế bào gốc cho bệnh nhân ung thư máu. Anh sẽ được tiêm một loại thuốc đặc biệt để tăng lượng tế bào gốc, chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Quyết định của Orban có thể trở thành phao cứu sinh đối với những người mắc bệnh ung thư máu hoặc bạch cầu.
Đối với những người mắc bệnh bạch cầu, khối u bắt đầu lây lan từ các tế bào gốc tạo máu. Những tế bào này thường vận chuyển oxy đến các thành phần của hệ miễn dịch chống nhiễm trùng.
Các tế bào ung thư lấn át những tế bào khỏe mạnh, khiến nguy cơ nhiễm trùng tăng lên. Tế bào xấu sau đó tràn ra khỏi tủy não, vào máu, đi khắp hệ thống miễn dịch và thần kinh. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người bệnh là dưới 30%.
Để điều trị, bệnh nhân cần hóa trị liều cao nhằm quét sạch tế bào ác tính. Sau đó, họ trông chờ vào tế bào gốc từ những người hiến tặng. Đây là một trong những phương pháp điều trị tiềm năng và hiệu quả đối với những người bệnh bạch cầu.
Theo giáo sư Alana Biggers, Đại học Illinois tại Đại học Y khoa Chicago, Mỹ, cấy tế bào gốc cho phép thay thế các tế bào máu bị hư hỏng trong cơ thể bằng các tế bào khỏe mạnh. Tế bào gốc có thể biến thành nhiều loại tế bào khác nhau. Chẳng hạn, tế bào gốc trong tủy xương dễ dàng chuyển thành tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể, tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng hoặc tế bào tiểu cầu giúp đông máu.
Khi được cấy ghép tế bào gốc, cơ thể tạo ra các tế bào máu mới. Bên cạnh hóa trị liều cao hoặc xạ trị, quy trình này có thể chữa bệnh bạch cầu hoặc làm thuyên giảm bệnh trong thời gian lâu dài.
Hiến tế bào gốc là thủ tục đòi hỏi sức khỏe về cả thể chất và tinh thần. Người hiến và cả người nhận phải có đầy đủ các thông tin cần thiết về giai đoạn điều trị và những rủi ro tiềm ẩn.
Đối với những người hiến tặng như cầu thủ Orban, bác sĩ sẽ chiết tế bào gốc từ tủy xương hoặc máu.
Hiến tế bào gốc từ tủy xương cần gây mê toàn thân. Bác sĩ lấy tủy xương từ xương chậu người hiến bằng một cây kim lớn, thu thập khoảng 10% tủy xương của người hiến tặng. Việc hiến tặng tủy xương kéo dài trong vài giờ, quá trình hồi phục có thể mất vài tuần cùng những cơn đau và cảm giác mệt mỏi, nhưng nguy cơ tác dụng phụ hoặc biến chứng thấp.
Hình thức thứ hai là hiến máu ngoại vi, đây cũng là phương pháp hiến tặng của cầu thủ Orban. Người hiến cần tiêm một loại thuốc hàng ngày, khiến tế bào gốc xâm nhập vào máu. Sau vài ngày, bác sĩ lấy máu từ cánh tay họ bằng ống thông, chiết xuất tế bào gốc từ máu thông qua thiết bị chuyên dụng. Sau đó, bác sĩ sẽ truyền lại phần máu cho người hiến. Nhìn chung, quy trình này mất từ hai đến 4 giờ. Thuốc dành cho người hiến có thể gây ra tác dụng phụ tạm thời, chẳng hạn đau xương và nhức đầu.
Giáo sư Biggers cho biết phụ nữ mang thai cũng có thể hiến tặng phần máu chưa sử dụng trong dây rốn sau khi sinh con. Nếu quyết định hiến tặng, các chuyên gia khuyến khích làm điều này càng sớm càng tốt sau sinh. Ngân hàng dây rốn có thể lưu trữ máu và truyền cho người phù hợp hoặc sử dụng trong trường hợp người thân của sản phụ cần tới.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sử dụng tế bào gốc từ chính cơ thể bệnh nhân ung thư để điều trị. Điều này có lợi hơn so với việc dùng tế bào hiến tặng, loại trừ được nguy cơ cơ thể từ chối các tế bào, vật chất lạ.
Trước khi ghép tế bào gốc cho người bệnh, bác sĩ thường chỉ định hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp cả hai để tiêu diệt càng nhiều tế bào ung thư càng tốt. Giai đoạn điều trị này cũng ức chế hệ miễn dịch, làm giảm khả năng cơ thể từ chối cấy ghép.
Thông thường, hóa trị và xạ trị liều cao kéo dài một đến hai tuần. Người cấy ghép nhỏ sẽ dùng liều thấp hơn. Hóa trị sẽ gây ra những tác dụng phụ như rụng tóc, lở miệng, nôn mửa, tiêu chảy và các vấn đề về phổi,
Bác sĩ cấy ghép tế bào gốc thông qua truyền máu, thường mất khoảng một giờ. Tác dụng phụ ở giai đoạn này rất hiếm, thường nhẹ.
Sau cấy ghép, bác sĩ sẽ theo dõi bệnh nhân để xác nhận các dấu hiệu cho thấy tế bào gốc đang bắt đầu nhập vào cơ thể, thường mất từ hai đến 6 tuần. Trong thời gian này, người bệnh phải xét nghiệm máu thường xuyên, có thể cần dùng thuốc để ngăn ngừa nhiễm trùng và các biến chứng khác.
Bệnh nhân được xuất viện khi sức khỏe ổn định, tiếp tục phục hồi tại nhà, có thể cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh nhiễm trùng.
Bệnh nhân cấy ghép tế bào gốc có thể chịu những rủi ro như nhiễm trùng, chảy máu, tình trạng tế bào cấy ghép chống lại vật chủ (GVHD). Điều này xảy ra khi các tế bào của người hiến tặng tấn công cơ thể bệnh nhân, gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Phản ứng GVHD rất phổ biến, có thể tác động ngắn hoặc dài hạn. Một số bệnh nhân bị viêm phổi, vô sinh sau cấy ghép.
Thục Linh (Theo Medical News Today, Bundesliga)