Thông tin được TS. Bạch Quốc Khánh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, chia sẻ bên lề Hội nghị khoa học Huyết học và truyền máu toàn quốc ngày 24/11.
Ung thư máu là một trong 7 bệnh ung thư có số ca mắc mới cao nhất, tại Việt Nam. Theo Globocan 2020, mỗi năm Việt Nam phát hiện gần 6.300 ca ung thư máu, bệnh cướp đi mạng sống hơn 4.700 người. Riêng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ghi nhận khoảng 1.500 ca gồm cả trẻ em và người lớn, mỗi năm. Khoa Điều trị hóa chất của Viện thường xuyên nội trú khoảng 250 bệnh nhân máu ác tính.
"Tiên lượng sống của các bệnh nhân ung thư máu tùy tình trạng, nhưng ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài thì cơ hội sống thêm 5 năm cao gấp 2,5 lần so với chỉ điều trị hóa trị liệu đơn thuần", TS. Khánh nói. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã ghép tế bào gốc cho gần 600 ca bệnh máu ác tính, trong đó khoảng 400 ca ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài (từ anh em ruột, máu dây rốn hoặc bố mẹ).
Ca ghép tế bào gốc đồng loài đầu tiên được Viện Huyết học thực hiện năm 2008 và ghép cho bệnh nhân suy tủy xương vào tháng 10/2010. Đến nay, sau 12 năm, bệnh nhân suy tủy xương đầu tiên được ghép tế bào gốc vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Hiện, có nhiều kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hòa hợp (còn gọi là ghép haplotype), ghép nửa hòa hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn... Ghép tế bào gốc được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý, độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng.
Ngân hàng Tế bào gốc của Viện Huyết học đang lưu trữ khoảng 5.500 mẫu tế bào gốc máu dây rốn chất lượng cao. Nhiều mẫu đã được sử dụng để ghép tế bào gốc tạo máu, cứu chữa và mang đến hy vọng cho nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo.
Các chuyên gia cho rằng tương lai, liệu pháp tế bào trị liệu và điều trị đích là hai phương pháp sẽ thay thế điều trị hóa chất. Tại Mỹ, một số phác đồ đã hoàn toàn dùng thuốc nhắm đích mà không có hóa trị. Thuốc nhắm đích khi đưa vào cơ thể sẽ nhắm trúng tế bào ung thư để tiêu diệt tận gốc, không độc như hóa trị liệu.
"Riêng phương pháp tế bào trị liệu mang lại hy vọng điều trị khỏi ung thư máu. Tỷ lệ bệnh nhân mắc một số bệnh ung thư máu điều trị bằng biện pháp này có thể sống thêm trên 10 năm lên tới 70-80%", ông Khánh cho hay.
Hiện một số thuốc điều trị đích đã được bảo hiểm y tế thanh toán, đỡ được gánh nặng chi phí cho bệnh nhân. Viện Huyết học đang hợp tác chuyên gia nước ngoài để chuyển giao công nghệ tế bào trị liệu, phát triển liệu pháp tế bào đặc hiệu, là những tế bào lympho miễn dịch có thể tiêu diệt được tế bào ung thư.
Ông Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu trung ương, nói: "Các phác đồ trị liệu mới giúp chẩn đoán và điều trị ung thư chính xác hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống và một số trường hợp khỏi bệnh", ông Thanh nói.
Lê Nga