Chủ nhật, 22/12/2024
Thứ hai, 6/3/2023, 11:20 (GMT+7)

'Ghềnh đá đĩa' triệu năm của Tây Nguyên

Gia LaiBãi đá hàng triệu năm xếp chồng lên nhau ở huyện Chư Sê có thể khiến du khách liên tưởng tới ghềnh đá đĩa nổi tiếng ở Phú Yên.

Bãi đá cổ làng Đôn Hyang, xã Đê Ar, huyện Mang Yang nằm dưới chân đập nhà máy thủy điện H'Chan, trên sông Ayun, giáp ranh xã Bar Măih, huyện Chư Sê. Bãi đá cách trung tâm TP Pleiku khoảng 45 km, có đường bê tông đi đến, nhưng nhiều đoạn dốc, quanh co.

Bãi đá rộng khoảng 3 ha. Một cán bộ quản lý rừng khu vực này cho biết hiện là mùa khô nên mọi người có thể thoải mái tham quan bãi đá. Tuy nhiên, du khách tránh leo lên những đoạn cao, có nước vì trơn trượt, dễ bị ngã.

Những thanh đá tại đây có hình lục lăng, đứng thẳng theo phương vuông góc, xiên nghiêng hoặc song song với mặt đất. Quần thể đá nơi đây chịu tác động mạnh của dòng sông Ayun nên bị bào mòn, tạo nên những hình thù lạ. Bãi đá đĩa có cấu tạo tương đối giống ghềnh đá đĩa ở Phú Yên.

Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý Văn hoá, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết sau khi phát hiện bãi đá có giá trị ông đã tìm hiểu, tham khao ý kiến từ các nhà nghiên cứu địa chất. "Các bãi đá cổ ở Tây Nguyên đều có độ tuổi hàng triệu năm, và có sự liên kết, tương đồng với các ghềnh đá đĩa ở Phú Yên", ông Tuệ nói.

Nhìn gần, những trụ đá hình lục lăng xếp cạnh nhau trông như một tổ ong khổng lồ.

Bãi đá nằm cạnh bờ đập tràn thuỷ điện H'chan.

Vòng Thị Huyền (30 tuổi) cho biết cô thực sự bất ngờ trước vẻ đẹp của bãi đá làng Đôn Hyang, bởi có sự khác lạ so với những bãi đá khác.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Gia Lai đang phối hợp với huyện Mang Yang khảo sát, đánh giá hiện trạng khu vực bãi đá cổ, môi trường sinh thái và đề xuất đưa vào chương trình du lịch của huyện.

Công Quý - Ngọc Oanh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net