Trước khi là Ngọc Hoàng của chương trình Táo Quân, Quốc Khánh đã được khán giả nhớ mặt, nhớ tên với những bộ phim hài thường được phát sóng trên VTV mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Một trong những vai diễn đáng nhớ nhất của anh chính là anh chàng sợ vợ trong phim Ghen, ra mắt khán giả lần đầu tiên vào Tết năm 1998.
“Ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng” - câu tục ngữ đã khẳng định một chân lý: phụ nữ nào cũng có chút ít máu ghen trong người. Sự ghen tuông của phụ nữ từ lâu đã đi vào văn chương, trở thành đề tài trong các tác phẩm văn học kinh điển. Cái ghen của Hoạn Thư đối với Kiều hay cách Medea giết con trả thù chồng… được miêu tả lại đủ để cánh đàn ông hậu thế đọc được phải kinh hồn bạt vía.

Minh Hằng và Quốc Khánh - hai diễn viên của phim "Ghen" nổi tiếng một thời. Ảnh: st.
Ghen kể về một anh công chức quèn tên là Tháo (Quốc Khánh). Anh này chẳng có gì đặc biệt, vừa thấp, vừa gầy, dáng lúc nào cũng co ro cúm rúm. Số trời run rủi thế nào anh lại lấy được một cô vợ vừa trẻ, vừa đẹp, tên là Hiền (Minh Hằng). Chị này lại hết lòng yêu thương, chiều chuộng chồng. Chỉ hiềm một nỗi chị ghen khủng khiếp. Cơ quan chồng tan làm lúc 12 giờ trưa, chị bắt chồng đúng 12 giờ 10 phút 25 giây phải có mặt ở nhà.
Mỗi lần chồng đi làm về, chị hít ngửi khắp người để tìm kiếm mùi lạ. Chị lên tận cơ quan của chồng, tìm gặp sếp, khóc lóc kể lể để ngăn chồng không đi tham quan. Mỗi lần lên cơn ghen là chị lại vật vã, bỏ ăn bỏ uống, đập chân, đập tay vào giường, mắt trợn ngược, răng nghiến kèn kẹt.
Chỉ riêng việc đối phó với cô vợ đã làm Tháo méo mặt, đổ mồ hôi hột. Vậy mà ở cơ quan, còn có một “ông bạn đểu” tên là Khích (Chí Trung) - người đúng như tên gọi, chuyên khích bác, “thọc gậy bánh xe”, tạo ra bao chuyện mâu thuẫn bất hòa trong gia đình anh. Tháo phải làm làm thế nào để giữ gìn hạnh phúc của mình trước những trò bẩn của Khích và sự tinh quái, thích đùa cợt của những đồng nghiệp cùng cơ quan? Câu hỏi ấy được giải đáp thỏa đáng trong 83 phút phim.
Ghen không đao to búa lớn mà giải quyết vấn đề một cách đơn giản, ngắn gọn. Kỹ thuật làm phim còn thô sơ nhưng bộ phim có những nét duyên ngầm riêng. Khán giả thấy thương anh Tháo hiền lành, hay bị bắt nạt và nhiều khi còn thấy bất bình thay cho anh nhưng họ cũng không thấy ghét chị vợ. Tuy Hiền nhiều lúc dại dột nhưng xét cho cùng, cũng vì yêu quá nên mới mù quáng như vậy.

Một cảnh trong phim "Ghen" ra mắt năm 1998.
Ghen là một bộ phim ấm lòng cho dịp Tết trước hết là ở tình cảm gia đình. Vợ chồng sống với nhau, có lúc va chạm, “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” nhưng kết thúc mọi hiểu lầm đều được xóa bỏ, tình cảm lại ấm nồng như xưa. Những anh chồng, chị vợ nào lỡ có máu ghen trong người, xem phim như thấy mình trong đó, cũng sẽ cười xòa mà tự biết cách điều chỉnh mình.
Nhiều đức lang quân xem phim hẳn phải tiếc thầm: “Giá mình có cậu em vợ tâm lý như nhân vật Vinh trong phim”. Không những Tháo có thể tâm sự tất cả mọi điều với Vinh như một người bạn thân, anh còn được cậu em hiến kế, gỡ rối mỗi khi gia đình gặp chuyện lao đao. Bố mẹ vợ của Tháo cũng rất tâm lý, không bênh con gái mà sẵn sàng phân tích điều hay lẽ phải để con mình không còn giận dỗi chồng vô lý.
Tiếng cười trong Ghen sảng khoái, trong trẻo, không bị sa vào lố bịch hay tục tĩu. Đạo diễn Phạm Thanh Phong đã sáng tạo ra nhiều chi tiết hài hước rất duyên. Cảnh Tháo cõng mẹ vợ đi trước với cậu em múa gậy theo sau được chèn nhạc Tây Du Ký rất hợp. Tháo đi làm về, vợ cởi hộ áo rồi mang áo may ô ra thay cho chồng trong khi anh nằng nặc đòi mặc pyjama làm liên tưởng đến cảnh mẹ chăm sóc, bao bọc con. Bà mẹ vợ phút trước trầm mặc, đứng đắn trước con rể, phút sau đã quay sang cãi nhau tay đôi với ông chồng về việc ai làm hư con khiến khán giả bật cười về sự trẻ con vẫn còn ở cặp vợ chồng già gần đất xa trời này.
Ghen còn được nhớ đến với những câu thoại bất hủ đã đi vào cuộc sống thường ngày. “Á à thằng râu quai nón đây rồi” từng một thời làm chột dạ bất cứ ai lỡ để râu quai nón. Hơn chục năm sau khi ra mắt khán giả lần đầu tiên, những câu thoại như: “Mình xin nhé”, “Việc đó thì còn phải nghiên cứu” vẫn được khán giả sử dụng thường xuyên.

Quốc Khánh (bìa trái) và Minh Hằng (bìa phải) đều là những gương mặt quen thuộc của chương trình Táo Quân hàng năm.
Bộ phim còn là một món quà đặc biệt cho những ai ưa hoài niệm và thường thương nhớ về Hà Nội xưa. Khán giả sẽ thấy lại một Hà Nội của những năm 1990 với những đồ vật cũ: chăn Phượng Hoàng, xà phòng thơm Camay, đèn pin nhôm, khăn trải bàn nhựa, những cầu thang hun hút của nhà tập thể. Đường sá Hà Nội cũng có vẻ yên bình hơn với những chiếc xe đạp, xe cub làm phương tiện di chuyển chủ yếu.
Xem lại Ghen, khán giả cũng sẽ bật cười và bất ngờ thú vị về sự quay vòng của thời trang. Cách đây hơn 10 năm, nhân vật trong phim đã mặc áo crop top, quần baggy hay quần bò cạp cao… Đó là những kiểu trang phục rất được nữ giới ưa chuộng hiện tại.
Ghen không cao siêu hay đánh đố mà đơn giản và dễ hiểu. Đây là bộ phim cả nhà có thể quây quần cùng nhau: cả bố, mẹ, ông, bà và con cháu đều có thể cùng xem và cùng thấy thích. Nếu đã thấy chán với phim hài Việt hiện đại, hãy thử đổi vị, tìm lại hương vị Tết ngày xưa với Ghen.
Xem phim "Ghen" |
Anh Trâm