Tối 9/4, bài hát phát hành trên kênh Youtube của Min và Erik - hai ca sĩ thể hiện - gắn kèm hashtag #EndCoV. Đại diện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết EndCoV được sử dụng như một cách chơi chữ vì có phát âm gần giống nCoV, nhằm gửi gắm thông điệp mong muốn sớm chấm dứt dịch bệnh.
Mew và Khắc Hưng phối hợp trong quá trình chuyển ngữ. Khắc Hưng đảm nhận chuyển lời thô, Mew bổ sung, chỉnh sửa cho đúng chuẩn tiếng Anh. Phần đầu nhắc tới Vũ Hán trong bản tiếng Việt được thay thế bằng nội dung về diễn biến của Covid-19. "Out of the blue / It's coming for us / It must not go too far" (tạm dịch: Bất thình lình/ Nó (virus) đến với chúng ta/ Nó không nên lan quá xa).
Các phân đoạn còn lại bám sát bản gốc, sử dụng câu từ đơn giản, dễ phát âm, đề cao tính tuyên truyền, nâng cao ý thức mọi người trong phòng chống Covid-19. Nhạc sĩ Mew cho biết câu hát: "xoa, xoa, xoa đều" có tính catchy (lôi cuốn, gây hứng thú cho người nghe) nhất trong bài. Anh nói: "Cụm từ lột tả được thông điệp rửa tay, dễ hiểu. Tôi tin rằng người nước ngoài nghe câu hát đó, họ sẽ thấy dễ chịu và vui vẻ". MV sử dụng lại phần hoạt hình của bản tiếng Việt.
Đại diện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết Ghen Cô Vy bản tiếng Anh dự kiến phát hành giữa tháng 3, tuy nhiên, kế hoạch tuyên truyền có sự thay đổi nên êkíp hoãn sang đầu tháng 4.
Trước đó, ca sĩ Mỹ gốc Đài Loan - Jason Chen, ban nhạc The Good Morning Nags chuyển bản hit sang tiếng Anh, đặt tên Washing Hand Song (tạm dịch: Ca khúc rửa tay) và thể hiện. Nhạc sĩ Khắc Hưng cho biết anh cùng Min, Erik và phía Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (thuộc Bộ Y Tế) nhận được nhiều email, tin nhắn đề nghị chuyển ngữ ca khúc.
Ghen Cô Vy phát hành hôm 23/2 do Min và Erik thể hiện, là dự án tuyên truyền phòng Covid-19 của Bộ Y tế. Ca khúc sau đó được phát trong chương trình Last Week Tonight with John Oliver của kênh HBO (Mỹ). MC John Oliver khen Việt Nam có nhiều biện pháp tuyên truyền hữu ích. Nhiều khán giả quốc tế sau đó tìm nghe, khen giai điệu ca khúc. Hàng loạt tờ báo, đài truyền hình tại Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ... gọi tác phẩm là "hiện tượng".
Hiểu Nhân