Cụm từ "xe Mỹ cổ điển" có thể gợi nhớ tới dòng sedan cỡ lớn, kiểu vây cá mập đồ sộ ở đuôi xe, động cơ dung tích lớn và cả kiểu ghế dài phía trước. Tuy nhiên, theo thời gian, do sự thay đổi về thị hiếu cũng như các quy định về an toàn, thiết kế này ít dần rồi biến mất. Đến năm 2012, Chevrolet Impala 2013 là mẫu xe cuối cùng sản xuất tại Bắc Mỹ còn sử dụng kiểu ghế dài 3 chỗ ở hàng ghế trước.
Nhưng giờ đây, chiếc ghế sofa trên ôtô có thể xuất hiện trở lại, phần lớn ở các mẫu xe điện và xe tự lái.
Lại ngược dòng quá khứ, vào một thời điểm của lịch sử công nghiệp ôtô Mỹ, gần như mọi ôtô đều dùng ghế dài phía trước - thiết kế thừa hưởng từ những chiếc xe ngựa kéo. Ghế dài là thứ hoàn hảo để xếp cùng lúc nhiều hành khách vào một chiếc xe, và đặc biệt thích hợp để ngồi xem phim ở rạp ngoài trời - kiểu chiếu bóng trở nên phổ biến thời sau chiến tranh, chưa kể tới những buổi hẹn hò.
Tuy nhiên, các hãng sản xuất ôtô Mỹ sớm nhận thấy phải ganh đua để đáp ứng nhu cầu đối với dòng xe thể thao với kiểu ghế rời ôm thân - sản phẩm có thể giúp cạnh tranh với các mẫu xe châu Âu. Chevrolet Corvette và Ford Mustang là hai trong số những huyền thoại xe Mỹ nhằm đáp trả các đối thủ từ châu Âu.
Những năm 1970, các quy định về an toàn khắt khe hơn, tác động lớn tới kiểu ghế sofa. Các hãng xe phải tìm cách lắp đặt hệ thống dây an toàn và túi khí tiên tiến hơn cho ôtô, nhưng rất khó thực hiện với kiểu ghế liền.
Sau đó, các hãng dần đưa thêm nhiều thứ vào bảng điều khiển trung tâm giữa hai ghế trước. Từ máy chơi nhạc, điều khiển điều hòa, cần số đều xuất hiện ở khu vực này. Người tiêu dùng cũng quen dần với những điều mới mẻ.
Ngày nay, còn rất ít mẫu xe có ghế trước liền nhau, phần lớn là ở dòng xe tải và SUV cỡ lớn. Những thay đổi về công nghệ cũng mở lại cánh cửa đối với kiểu ghế sofa, và thiết kế này đã xuất hiện trên một số mẫu concept chạy điện và tự lái. Một số ôtô tự lái còn đề xuất cho các hành khách ngồi xung quanh một chiếc bàn ở trung tâm xe.
Mỹ Anh (theo CNBC)