Từ ngày 23-26/5, Hội sinh sản châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hội nghị khoa học lần thứ 13 (ASPIRE) tại thành phố Manila, Philippines. Đây là hội chuyên ngành lớn và uy tín về sinh sản và vô sinh trong khu vực, thu hút gần 1.200 đại biểu là các chuyên gia y tế hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.
Tại hội nghị, Công ty Cổ phần dịch vụ Phân tích Di truyền (Gentis) đã chia sẻ nghiên cứu chuyên sâu mang tính thời sự và khoa học hợp tác với Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc được công bố dưới dạng poster. Báo cáo có chủ đề: Kết quả lâm sàng của chuyển phôi dựa trên đánh giá hình thái kết hợp xét nghiệm di truyền tiền làm tổ không xâm lấn (niPGT): một nghiên cứu ở Việt Nam.
Nghiên cứu đánh giá các kết cục lâm sàng ở hai nhóm: thực hiện IVF lựa chọn phôi chuyển chỉ dựa vào đánh giá hình thái phôi (nhóm đối chứng) và nhóm lựa chọn phôi chuyển dựa vào đánh giá hình thái phôi kết hợp với kết quả niPGT (ASEM test). Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ trẻ sinh sống ở nhóm đối chứng và nhóm nghiên cứu lần lượt là 38,6% và 41,1%. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, tỷ lệ sảy thai ở nhóm nghiên cứu là 0% (chưa ghi nhận ca sảy thai nào trong nhóm nghiên cứu) và ở nhóm đối chứng là 12,9%.
Kết quả nghiên cứu ban đầu này cho thấy, niPGT có tiềm năng trong việc làm tăng tỷ lệ trẻ sinh ra, đặc biệt làm giảm tỷ lệ sảy thai. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc giúp bệnh nhân không phải trải qua những tổn thương về mặt thể chất cũng như tinh thần của việc sảy thai. Đề tài được đánh giá cao, thiết thực, thu hút nhiều sự quan tâm của các đồng nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Đáng chú ý, bài báo cáo của Gentis đã vào Top 10 bài báo cáo poster xuất sắc do Hội đồng khoa học ASPIRE bình chọn.
Nằm trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội với Công ty Gentis, BSCKI. Nguyễn Thành Trung đã báo cáo tại hội trường về "Kết cục lâm sàng của bệnh nhân chuyển phôi thể khảm". Theo nghiên cứu, đối với những bệnh nhân không có phôi nguyên bội cho chuyển phôi thì có thể cân nhắc chuyển phôi có kết quả khảm. Bài báo cáo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham gia hội nghị bởi các thông tin về tỷ lệ làm tổ, lưu sảy thai, thai sinh sống khi đánh giá kết cục lâm sàng sau chuyển phôi thể khảm.
Ngoài ra, xét nghiệm Fertiscan của Gentis còn được Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội áp dụng vào thực tế để tìm ra nguyên nhân vô sinh do di truyền ở nam giới, góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán cũng như tư vấn, điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn tại bệnh viện. Kết quả nghiên cứu xét nghiệm Fertiscan đồng thời được bác sĩ Việt công bố trong bài báo cáo "Kết quả phân tích gene gây vô sinh ở bệnh nhân vô tinh không rõ nguyên nhân" (Genetic Analysis results in patient with non-obstructive azoospermia) ở hội nghị ASPIRE.
ASPIRE 2024 là một trong nhiều hội nghị quốc tế mà Gentis thường xuyên tham dự và báo cáo với đồng nghiệp, bạn bè các nước trên thế giới. Bên cạnh hoạt động phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ xét nghiệm, nghiên cứu khoa học cũng là một trong số những mũi nhọn mà đơn vị chú trọng, phát triển nhằm trau dồi năng lực chuyên môn cũng như cập nhật kiến thức áp dụng thực tiễn mang đến hiệu quả thành công cho người bệnh trong chu kỳ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Thế Đan