Phân tích được thực hiện trên ứng dụng Sleep Number, cho thấy gen Z (người sinh từ năm 1997 đến năm 2015) và millennials (sinh từ năm 1980 đến năm 1996) đi ngủ sớm và có giấc ngủ sâu hơn thế hệ trước đó.
Emma Kraft, sinh viên 19 tuổi tại Đại học California, cho biết: "Đột nhiên, mọi người cảm thấy việc ngủ sớm thật ngầu, thói quen này được chấp nhận hơn nhiều. Đối với tôi, chẳng có gì thú vị sau 21h cả".
Kraft đặt mục tiêu đi ngủ trước 9h30 tối mỗi đêm để có thời gian ngủ ít nhất 9 tiếng. Cô không phải người duy nhất làm điều này. Theo phân tích của Khảo sát sử dụng thời gian ở Mỹ của RentCafe, vào năm 2022, người trưởng thành ở độ tuổi 20 ngủ trung bình 9h28 phút, tăng 8% so với năm 2010.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị người lớn nên ngủ ít nhất 7h mỗi đêm. Gần đây, nhiều người trẻ Mỹ phát hiện họ cần nhiều năng lượng hơn để hoạt động bình thường. Vì vậy, ngủ sớm và ngủ sâu dần trở thành xu hướng.
Kelly Baskin, 32 tuổi, cho biết: "Ban đầu, tôi tưởng thói quen này khiến tôi trông lười biếng và cố gắng sửa đổi. Tuy nhiên, sau khi thấy các bạn cùng lứa khoe việc bản thân ưu tiên giấc ngủ trên mạng xã hội, cô đã thay đổi suy nghĩ, thoải mái ngủ khoảng 8 đến 9 tiếng mỗi đêm".
Thực tế, thiếu ngủ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngủ đủ giấc có thể giúp cơ bắp phát triển, hỗ trợ cơ thể giải phóng hormone tăng trưởng (HGH), kích thích tổng hợp protein, điều hòa các sợi cơ hỏng hóc và tạo mô cơ mới. Nghiên cứu năm 2000 của Trường Đại học Chicago, Mỹ, trên 150 nam giới cho thấy người có giấc ngủ sâu tiết ra nhiều hormone tăng trưởng hơn.
Ngủ đủ giấc cũng giúp củng cố sức khỏe tim mạch, ổn định đường huyết, giảm viêm cơ thể, giúp mọi người dễ dàng đạt mục tiêu giảm cân.
Một đêm ngon giấc mang đến sự tỉnh táo, khả năng tập trung cao để bạn quán xuyến các hoạt động thường nhật hiệu quả. Khi kết thúc một ngày năng động cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, chuẩn bị cho một ngày mới tràn năng lượng.
Thục Linh (Theo NY Post, Daily Mail)