Tháng trước, Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình của Trung Quốc thông báo sẽ "can thiệp" để giảm thiểu tình trạng phá thai ở phụ nữ và thanh thiếu niên chưa kết hôn. Tin tức này gây xôn xao mạng xã hội, các nhà hoạt động lo ngại có thể xâm phạm quyền sinh sản của phụ nữ.
Hiệp hội nhanh chóng làm rõ lập trường của mình, cho biết chỉ muốn giúp thanh thiếu niên tránh những rủi ro về sức khỏe và thách thức xã hội liên quan đến việc mang thai ngoài ý muốn.
Việc làm rõ có thể giúp một số người nhẹ nhõm hơn, nhưng có những lý do đáng lo ngại khiến tổ chức này coi việc giảm thiểu nạo phá thai là một ưu tiên. Khoảng 9,5 triệu ca phá thai được thực hiện hàng năm ở Trung Quốc.
Theo Wu Shangchun, nhà nghiên cứu của tổ chức tư vấn thuộc Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Y tế Quốc gia, tỷ lệ nạo phá thai của Trung Quốc cao gấp hai đến ba lần so với ở Mỹ; trong đó nữ dưới 24 tuổi chưa kết hôn chiếm 40% tổng số ca.
Những con số thống kê có thể được giải thích bởi nhiều yếu tố, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất là tình trạng ảm đạm của các chương trình giáo dục giới tính tại Trung Quốc.
Ngay cả "Thế hệ Z", những người lớn lên với khả năng truy cập Internet dễ dàng và trong bầu không khí tương đối tôn trọng về tình dục, cũng thường gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin đáng tin cậy về chủ đề giới tính.
Xiao Han, học sinh trường quốc tế tại thành phố Thượng Hải, cho biết chưa bao giờ nhận được bất kỳ bài học chính thức nào về giáo dục giới tính ở trường. "Nội dung được đề cập trong sách giáo khoa nhưng không ai hướng dẫn chúng em", Xiao nói.
Một học sinh ẩn danh khác kể từng bị bạn bè trêu trọc vì quá nữ tính. Nam sinh cho biết ở Tân Cương quê em, giáo dục giới tính được dạy khá muộn. Các em đã rất háo hức, đọc trước sách giáo khoa và mong chờ những gì cô giáo nói.
"Nhưng đến giờ sinh học, giáo viên chỉ giảng một cách khái quát, sau đó nói chương này sẽ không có trong bài kiểm tra", nam sinh kể.
Theo Chen Rude, giáo viên tiểu học ở trung tâm thành phố Trường Sa, chương trình giáo dục giới tính của trường anh chỉ bao gồm một bài giảng. Nam sinh và nữ sinh được tách hai lớp riêng và chỉ được dạy một số thông tin cơ bản về phòng chống AIDS.
Không được dạy ở trường, nhiều thanh thiếu niên tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội hay vlog.
Để giải quyết vấn đề này, năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu quy định "giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi cho trẻ vị thành niên" ở tất cả cấp học, gồm mẫu giáo, giúp học sinh nâng cao "nhận thức và khả năng tự vệ trước tình huống bị lạm dụng tình dục và quấy rối tình dục".
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu và chuyên gia tiếp tục ủng hộ chương trình Giáo dục Giới tính Toàn diện (CSE) ở Trung Quốc.
Liu Wenli, giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh, từng dành 10 năm phát triển sách giáo khoa CSE dựa trên các hướng dẫn của UNESCO dành cho học sinh mầm non và tiểu học. CSE không chỉ dạy các em về tình dục mà còn về mối quan hệ, giới tính, dậy thì, sự đồng thuận và sức khỏe sinh sản để có kỹ năng tốt hơn.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng áp dụng CSE. Cách đây 5 năm, một cuốn sách giáo khoa do giáo sư Liu và các đồng nghiệp biên soạn đã bị rút khỏi chương trình khi có những chỉ trích từ phía phụ huynh. Nhiều cha mẹ cho rằng hình minh họa về các cơ thể khỏa thân là không phù hợp.
"Giáo dục giới tính được đưa vào luật là một bước phát triển tích cực nhưng đó chỉ là bước đầu tiên trong một hành trình dài", ông Liu cho biết trong cuộc phỏng vấn với China Business Herald năm ngoái. "Nội dung gì nên được dạy trong chương trình giáo dục giới tính? Chúng ta có đủ giáo viên có trình độ để dạy không? Áp dụng phương pháp giảng dạy nào? Đó là những câu hỏi cấp bách cần được giải đáp".
Theo số liệu của World Bank, các nước châu Âu có tỷ lệ mang thai tuổi vị thành niên vào loại thấp nhất thế giới. Ở Italy, Đức và Thụy Sĩ, trong số 1.000 trẻ được sinh ra, không đến bốn trẻ có mẹ ở tuổi vị thành niên. Con số này ở các nước như Thụy Điển, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch và Bỉ là khoảng 5-6.
World Bank đánh giá điều này có được là nhờ vào các chương trình giáo dục giới tính tiến bộ. Giáo viên giảng dạy giới tính ở các quốc gia này không nhấn mạnh "sự nguy hiểm của tình dục". Thay vào đó, họ tập trung hướng dẫn phương pháp tình dục an toàn, cách giữ sức khỏe, chăm sóc bản thân ở tuổi mới lớn.
Tại Đan Mạch, chính phủ, các trường học, nhà xuất bản và các tổ chức phi chính phủ như Sex & Samfund cùng phối hợp để đưa giáo dục giới tính vào giảng dạy.
Tổ chức phi chính phủ đã giúp triển khai "Tuần lễ tình dục" trong 13 năm, trong đó giáo viên hướng dẫn học sinh thảo luận về những thách thức mà họ phải đối mặt trong cuộc sống thực, từ việc "nói chuyện tình dục" với cha mẹ đến thủ dâm và tình dục đồng thuận. Theo cách tiếp cận này, học sinh được coi là những tác nhân có năng lực trong cuộc sống của chính họ và sự tham gia tích cực của các em là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của chương trình.
Nam sinh ở Tân Cương kể, sau giờ học đáng thất vọng đó, cậu cuối cùng đã tìm thấy thông tin ở một nguồn khác: một khóa về giáo dục sức khỏe tâm thần. Trong buổi học, giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng nhiều biện pháp tránh thai khác nhau, dạy phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Lớp học mang tới sự tự tin hơn nhưng cậu vẫn cảm thấy kiến thức còn thiếu, nhất là những chủ đề như đồng tính luyến ai chưa được đề cập. Cậu mong được học ở một ngôi trường giống như bộ phim "Sex Education" trên Netflix.
Bình Minh (Theo Sixthtone)