Với nhiều thành viên Gen Z (sinh năm 1997 đến 2012) ở Trung Quốc, giấc mơ có xe hơi sang trọng và căn nhà tiện nghi đã biến mất. Và việc tài khoản tiết kiệm trống không là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Hơn 300 triệu người dùng mạng xã hội Weibo của nước này đang quan tâm đến chủ đề "số tiền tiết kiệm của tôi ở tuổi 26". Trong 12.000 ý kiến thảo luận, hàng trăm tài khoản tự nhận mình 26 tuổi đã chia sẻ ảnh chụp màn hình tài khoản ngân hàng "không có đồng nào".
Một người ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, thú nhận có 1,17 tệ (3.200 đồng) trong tài khoản ngân hàng. Trong khi tài khoản khác đến từ tỉnh An Huy khoe còn 150 tệ (gần 500.000 đồng) trong tài khoản. Đây là tiền công vừa được ông chủ chuyển khoản trong một ngày làm việc. "Năm nay tôi cũng 26 tuổi nhưng tiền tiết kiệm là gì? Không phải ai cũng sống nhờ tiền lương ít ỏi và tiêu hết sạch chúng à?", một người đến từ tỉnh Giang Tô nói kèm theo ảnh chụp màn hình khoản tiền 67 USD trong tài khoản.
Rỗng túi có thể không phải là vấn đề lớn đối với Gen Z phương Tây bởi tư tưởng tự do nhưng là vấn đề nghiêm trọng với người Trung Quốc.
Thuật ngữ "zhuan" của nước này ra đời năm 2012, ám chỉ những người đàn ông đạt đỉnh cao của sự thành công buộc phải có nhà, xe sang và vợ.
Nhưng theo thống kê của Statista, trung bình mỗi tháng Gen Z của nước này chỉ kiếm được gần 600 USD. Họ phải đối mặt với thị trường việc làm khắc nghiệt, bởi cứ 5 thanh niên trong độ tuổi 16-24 lại có một người thất nghiệp vào tháng 4/2023. Bên cạnh đó, nhóm này cũng đang chi tiêu mạnh tay hơn Gen Y ( sinh năm 1981-1996) và Gen X (sinh năm 1965-1980) cho hàng hóa xa xỉ, mỹ phẩm.
Và giờ đây, nhiều Gen Z nước này đang cảm thấy đau đớn.
Theo một báo cáo địa phương, ước tính có khoảng 40% thanh niên độc thân sống ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến chỉ sống bằng tiền lương. "Hành vi này rất khác so với các thế hệ trước, những người đang tiết kiệm từng đồng. Còn người trẻ lại đang vét sạch từng đồng để chi tiêu cho bản thân", giáo sư Chung Chí Niên, chuyên gia về xã hội học kinh tế tại Đại học Bách khoa Hong Kong, nói.
Bên cạnh việc lương thấp, tâm lý "đời người chỉ sống một lần" (YOLO) đang khuyến khích những người này mua những thứ yêu thích, ngay cả khi phải vay nợ.
Yidali Neizhinu, ở thành phố Trùng Khánh, nói rằng các sinh viên vừa tốt nghiệp đang cảm thấy đau đớn khi bị xã hội và thị trường việc làm hắt hủi. Trước đại dịch nhiều người luôn nói rằng "30 tuổi không có nổi một triệu nhân dân tệ thì không phải là người" và "đàn ông không có nhà thì đừng nghĩ đến chuyện lấy vợ".
"Nhưng giờ đây khi kiếm tiền rất khó, họ còn giữ tư tưởng đó?", ông nói.
Minh Phương (Theo Insider, CNBC)