"The Boring Phone"- chiếc điện thoại nắp gập là sản phẩm ra đời từ sự hợp tác giữa thương hiệu bia Heineken và nhà bán lẻ thời trang Bodega. Nó được cho là để đáp ứng nhu cầu của những người muốn loại bỏ điện thoại thông minh khỏi cuộc sống.
Sản phẩm lần đầu được giới thiệu tại Tuần lễ thiết kế Milan (Italy), mở ra một xu hướng mới. Không chỉ thời trang có khả năng quay lại, xu hướng tiêu dùng công nghệ cũng có thể theo vòng xoáy này.
Một trong những nguyên nhân chính khiến điện thoại "cục gạch" được người trẻ ưa chuộng là bởi lo ngại các sản phẩm thông minh có chức năng thu thập dữ liệu, lộ thông tin cá nhân. Không chỉ The Boring Phone, các sản phẩm điện tử cổ điển như đĩa than, băng casette và điện thoại di động kiểu cũ cũng đắt khách.
Nỗi nhớ về chiếc điện thoại Nokia 3310 - sản phẩm được đánh giá có thời lượng pin lớn nhất, đã khiến thiết bị được đưa trở lại thị trường vào năm 2017. Nhưng phải đến năm ngoái, nhu cầu sở hữu điện thoại gập mới bùng nổ tại Mỹ.
Hashtag #bringbackflipphones (mang điện thoại nắp gập trở lại) xuất hiện tràn lan trên nền tảng TikTok. HMD Global, công ty đứng sau thương hiệu Nokia huyền thoại, cũng chứng kiến doanh nghiệp số bán điện thoại gập tăng gấp đôi vào tháng 4/2024.
Patrick Moorhead, nhà sáng lập Moor Insights & Strategy, tại thị trường Bắc Mỹ, doanh số điện thoại "cục gạch" đang tăng ổn định. "Trong 5 năm tới, doanh số thiết bị này có thể tăng 5% do những lo ngại về sức khỏe mà smartphone gây ra", Moorhead dự đoán.
Dù vậy theo nhà phân tích công nghệ Joe Birch, các sản phẩm của Apple và Samsung vẫn khó có khả năng bị thay thế. "Nhưng thế hệ trẻ ngày nay đang thay đổi hành vi tiêu dùng. Họ lo sợ ảnh hưởng xấu, tác động tiêu cực của thế giới số đến cuộc sống", Birch nói và cho biết thống kê cho thấy ba trong số năm người thuộc Gen Z nói muốn ít kết nối với thế giới kỹ thuật số.
Công ty nghiên cứu GWI báo cáo một bộ phận Gen Z bắt đầu giảm thời lượng sử dụng mạng xã hội. Thời gian lên mạng của thế hệ này bắt đầu giảm từ năm 2021.
Lars Silberbauer, giám đốc tiếp thị của HMD, cho biết trong 4 giờ đầu việc "cai nghiện" Internet khiến người dùng cảm thấy lo lắng, bất an. Nhưng sau đó họ nhận thấy khả năng tập trung tăng lên và quay lại những hoạt động khác.
Theo nhà phân tích công nghệ thuộc Viện Portulans (Mỹ), người tiêu dùng ở độ tuổi 20 quan tâm nhiều đến quyền riêng tư. Họ tin rằng các hành động trên Internet hiện nay đều bị giám sát bởi các thương hiệu, chính phủ và những kẻ lừa đảo. Điều này khiến người trẻ không thể tự do theo đuổi sở thích cá nhân trên các nền tảng số.
Công nghệ cũ cũng có thể tạo ra nhiều tự do hơn như việc thưởng thức các bài hát. Điện thoại "cục gạch" có thể ngăn cản người dùng truy cập kho nhạc kỹ thuật số trên Spotify hoặc YouTube, nhưng giới nghệ sĩ vẫn liên tục ra đĩa hát phục vụ người hâm mộ.
Tuy nhiên mặt trái của việc từ bỏ thế giới số là mất đi khả năng truy cập vào hệ thống dịch vụ công.
Hannah Whelan, điều phối viên dữ liệu của tổ chức từ thiện Good Things Foundation cho biết khoảng 2,4 triệu hộ gia đình ở Anh không đủ khả năng sở hữu smartphone, hai triệu thanh niên của quốc gia này mất quyền tiếp cận với dịch vụ, tài liệu và công cụ giáo dục trên Internet.
"Phần lớn dịch vụ thiết yếu hiện nay đều tồn tại dưới dạng trực tuyến, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tín dụng", Hannah Whelan nói. Bà cũng cho biết những người không thể quét mã QR có thể điền vào biểu mẫu hoặc đặt món có thể gặp bất lợi.
Petter Neby, người sáng lập công ty cung cấp thiết bị điện tử cổ điển Punkt, cho biết một nhóm học sinh ở New York (Mỹ) đã tuyên bố từ bỏ iPhone và chuyển sang điện thoại nắp gập từ cuối năm 2022.
Tuy nhiên việc tách trẻ em ra khỏi smartphone không phải bài toán đơn giản. Như hệ thống trường học tại Anh đang thực hiện các hoạt động như lập kế hoạch giáo dục, giao và kiểm tra việc làm bài tập về nhà một cách trực tuyến. Do vậy, việc cấm trẻ em sử dụng điện thoại thông minh là bất khả thi.
Không thể loại bỏ hoàn toàn điện thoại thông minh, giám đốc bán hàng công nghệ Piers Garett đang tìm mọi cách hạn chế tác động tiêu cực của thế giới số đến cuộc sống hàng ngày.
Chàng trai 27 tuổi nói chỉ sử dụng ứng dụng ngân hàng và giáo dục, chủ động tắt tất cả thông báo không cần thiết. Mỗi sáng thức giấc, Piers sẽ uống cà phê, đọc sách thay vì kiểm tra tin nhắn điện thoại.
"Thói quen này giúp đầu óc tôi trở nên sáng suốt hơn", Piers nói.
Minh Phương (Theo Guardian)