Nghiên cứu Chỉ số thịnh vượng toàn cầu của tập đoàn tài chính Intuit (Mỹ) cho thấy, Gen Z ở nhiều quốc gia đang hướng cuộc sống của mình về trạng thái thoải mái, ít căng thẳng, ưu tiên phát triển cá nhân và sức khỏe tinh thần.
Báo cáo cho thấy cách tiếp cận đối với đầu tư và tài chính cá nhân của Gen Z mềm mỏng hơn so với thế hệ trước. Người trẻ có xu hướng chi tiền vào những thứ phản ánh quan điểm cá nhân của họ, tìm kiếm kết nối cảm xúc với các thương hiệu và chuyên gia mà họ lựa chọn.
Trong nghiên cứu của Intuit, 3/4 số nhân viên Gen Z mong muốn có cuộc sống chất lượng thay vì cố gắng làm đầy tài khoản. Thực tế, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của người Mỹ ngày nay đã phản ánh xu hướng này. Theo Cục Phân tích kinh tế Mỹ, người Mỹ tiết kiệm ít hơn trong năm 2023. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân trung bình đạt 3,9% vào tháng 8, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 8,5% trong 10 năm qua.
Ryan Viktorin, Phó Chủ tịch tư vấn tài chính tại hãng đầu tư Fidelity, nhận định đây là một trong những đặc thù của thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. Người Mỹ chi tiêu ít hơn trong suốt hai năm dịch bệnh nên sau khi trở lại cuộc sống bình thường, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn để bù đắp. Ngoài ra, lạm phát cũng khiến việc trang trải chi phí hay tiết kiệm trở nên khó khăn hơn.
Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân sụt giảm còn phản ánh thay đổi trong mục tiêu tài chính của người lao động ngày nay. Khi giới trẻ gia nhập lực lượng lao động, họ mang đến những ưu tiên tài chính mới, không quá chú trọng tiết kiệm mà dùng thu nhập tăng thêm để tận hưởng cuộc sống, theo Viktorin.
Hệ quả của việc này là hơn 60% Gen Z không chắc chắn họ có đủ tiền để nghỉ hưu hay không. Dù vậy, nỗi sợ này có thể không phải mối quan tâm lớn với thế hệ trẻ vì hầu hết không có kế hoạch nghỉ hưu, theo Intuit.
Trung tâm nghiên cứu hưu trí Transamerican phát hiện gần một nửa dân số lao động dự kiến làm việc sau tuổi 65 hoặc không có kế hoạch nghỉ hưu. Theo truyền thống, nghỉ hưu là rời khỏi lực lượng lao động vĩnh viễn, song định nghĩa nghỉ hưu thay đổi theo từng thế hệ. Khoảng 41% Gen Z và 44% Millennials (từ 27 đến 42 tuổi) vẫn muốn làm việc dù đã nghỉ hưu. Con số này cao hơn tỷ lệ 31% ở Gen X (sinh từ năm 1965 đến 1980) và 21% Baby Boombers (người sinh từ năm 1946-1964). Mong muốn có thu nhập suốt đời có thể khiến cho khái niệm nghỉ hưu trở nên lỗi thời.
Huy Phương (Theo CNBC)