Lần duy nhất Jolene Mak Pui-ying uống rượu là do nhầm lẫn, tưởng rằng ly vang đỏ là loại nước ngọt làm từ nho đen. Nhà nghiên cứu khoa học máy tính 21 tuổi cho biết anh không thích đồ uống vị cồn, cũng không nghĩ rằng mình cần uống rượu bia để có khoảng thời gian vui vẻ.
Sophie Robertson, 19 tuổi, có quan điểm tương tự. Cô đã thử uống rượu trong vài tháng, nhưng cho rằng mình không phù hợp với sở thích này. Đặc biệt, sau nhiều năm chứng kiến những người uống bia cuồng nhiệt tại các giải đấu Rugby Sevens hàng năm của Hong Kong và dòng người xếp hàng vào nhà vệ sinh để nôn mửa, Robertson cho rằng thú vui này không xứng đáng.
"Tôi không thấy rượu bia khiến mọi thứ tốt đẹp hay vui vẻ hơn. Tôi vẫn có thể tận hưởng mọi thứ với bạn bè trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo", Robertson chia sẻ.
Mak và Robertson đều sinh sau năm 2000, thuộc thế hệ Z (gen Z), gồm những người sinh từ năm 1996 đến năm 2010. Theo các cuộc khảo sát dân số, nhiều người trẻ thuộc thế hệ này dần chuyển sang lối sống tránh xa rượu bia.
Nghiên cứu cho thấy họ là một phần của phong trào sober curious (tò mò tỉnh táo). Báo cáo của Berenberg Research năm 2018 phát hiện gen Z uống rượu ít hơn 20% so với thế hệ Millennials (sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990). Trào lưu này lan rộng ở các nước châu Âu, Mỹ, Australia và New Zealand.
Lý do không uống rượu của gen Z đa phần hợp lý, chẳng hạn sợ mất kiểm soát, tốn kém, các tác động tiêu cực về thể chất. Ngoài ra, theo báo cáo năm 2022 của Viện Thực phẩm Mỹ, việc tập trung vào sức khỏe thể chất và tinh thần là động lực chính để giảm uống rượu ở người trẻ tuổi.
Khi đối mặt với những căng thẳng và lo lắng thường ngày, gen Z có cách tiếp cận khác với thế hệ cũ, những người coi rượu là nguồn giải tỏa stress đáng kể. Kantar Global MONITOR chỉ ra rằng dưới 24% gen Z uống rượu để duy trì hoặc cải thiện sức khỏe tinh thần, 21% sử dụng đồ ăn hoặc các phương pháp khác để nâng cao tâm trạng, thay vì uống rượu.
Được tiếp xúc với nhiều lựa chọn đồ uống mang lại cả lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần, người tiêu dùng trẻ dần chuyển sang sản phẩm không cồn, ít cồn để thay thế. Nghiên cứu Thị trường Đồ uống IWSR năm 2022 cho thấy doanh số bán hai loại đồ uống này tăng hơn 7% tại 10 thị trường trọng điểm toàn cầu, gồm Australia, Brazil, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Nam Phi, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ.
Theo nhà trị liệu tâm lý Elena Kisel của LifeClinic, phương tiện truyền thông xã hội cũng đóng vai trò như công cụ giám sát gen Z. Đây gần như rào cản xã hội, giúp củng cố nhận thức của họ về các hành vi sẽ thực hiện, bởi những người xung quanh luôn chứng kiến được những gì họ đang làm.
Tỷ lệ uống rượu say của gen Z giảm cũng thể hiện xu hướng bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất. Robertson bắt đầu tập tạ cách đây hai năm. Cô cho biết thể dục là phần quan trọng trong cuộc sống, thay vì rượu bia. Tiến sĩ Kisel nhận thấy sở thích uống rượu giảm, đặc biệt ở nhóm phụ nữ trẻ, bởi họ coi đây là "calo rỗng".
Tại các quán rượu, nhân viên pha chế cũng bắt đầu nghĩ ra các loại đồ uống không cồn. Số lượng đồ uống dạng này tại quán rượu nổi tiếng có tên Quinary tăng từ 8% đến 9% kể từ năm 2018 đến năm 2023.
Thục Linh (Theo SCMP, Kantar)