Hơn 500 triệu Gen Z (từ 18 đến 26 tuổi) đã sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động châu Á - Thái Bình Dương nhưng lạm phát và đại dịch đã biến họ trở thành "thế hệ làm thêm". Từ sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội, kinh doanh thương mại điện tử cho đến khai thác công nghệ, những người trẻ đang làm nhiều việc một lúc để tìm kiếm kỹ năng mới, kiếm thêm tiền và tự chủ kinh tế.
![Sinh viên mới tốt nghiệp tham gia hội chợ việc làm ở thành phố Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc, tháng 4/2023. Ảnh: SCMP](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/06/04/lam-them-1-8078-1685815793.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_ZvXNlMKaabt38z4zcPmFw)
Sinh viên mới tốt nghiệp tham gia hội chợ việc làm ở thành phố Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc, tháng 4/2023. Ảnh: SCMP
Khảo sát gần đây của công ty kiểm toán quốc tế Deloitte cho thấy 46% Gen Z có công việc thứ hai ngoài công việc toàn thời gian. Trong số gần 15.000 Gen Z ở 44 quốc gia được khảo sát, 35% cho biết mối lo hàng đầu đến từ chi phí sinh hoạt, với 51% trả lời rằng họ luôn trong cảnh không xu dính túi.
Santor Nishizaki, một chuyên gia về lãnh đạo tổ chức tại Los Angeles (Mỹ) cho rằng Gen Z đang vào đời trong thời điểm rất khó khăn. Nhiều người đã đi làm nhưng phải nhận thêm các công việc ngoài mới đủ trang trải chi phí sinh hoạt.
Gen Z cũng đang phải đối mặt với những hậu quả từ xã hội đang già hóa nhanh ở nhiều nước. Họ bị cắt giảm phúc lợi cùng với những rủi ro từ việc làm khan hiếm hơn do trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm thay rất nhiều thứ.
Meg Rutherford, 26 tuổi, đến từ New Zealand cho biết công việc tay trái tổ chức tiệc cho trẻ em đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn với cuộc sống của cô."Mọi thứ đắt đỏ hơn bao giờ hết. Ý nghĩ kiếm thêm thu nhập đến từ thực tế rằng chúng ta đang rơi vào thời kỳ suy thoái", cô chia sẻ.
Rutherford đã ra mắt một trang Instagram để quảng bá hoạt động kinh doanh của mình vào tháng 3, chia sẻ rằng mạng xã hội là một công cụ quan trọng để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng.
Nhu cầu tài chính là động lực lớn nhưng tiền không phải là mục tiêu duy nhất. Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Adrian Choo cho biết nhiều Gen Z hiện nay xem công việc làm thêm như một phần con đường sự nghiệp.
"Đối với tôi, trường học không phải là ưu tiên hàng đầu. Tôi muốn mạo hiểm và tự mình làm điều gì đó", Chang Cho Yew, 24 tuổi, sinh viên khoa kinh doanh năm cuối người Singapore cho biết. Chang quyết định thành lập PropUp, một công ty chuyên sản xuất các video quảng cáo về bất động sản sau một thời gian dài tìm kiếm lối đi cho riêng mình.
Chang đã theo đuổi công việc kinh doanh của mình, không chỉ để có thêm thu nhập mà còn để thăng tiến trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh. "Tôi đã thoát khỏi việc cùng một nhóm sinh viên chưa tốt nghiệp tranh giành nhau một vị trí trong công ty. Luôn có tiền ngoài kia, miễn là bạn có khả năng giao tiếp và bán hàng", Chang chia sẻ.
![Chang Cho Yew (giữa) cùng với những đồng sáng lập PropUp khi còn là sinh viên. Ảnh nhân vật cung cấp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/06/04/lam-them-3-7281-1685815794.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lIyx0357y13JpZxyYO2_kg)
Chang Cho Yew (giữa) cùng với những đồng sáng lập PropUp khi còn là sinh viên. Ảnh nhân vật cung cấp
Với nhiều người, công việc làm thêm cũng là một cách để theo đuổi đam mê. Rizky, 25 tuổi, tại Indonesia cho biết anh luôn muốn được làm thiết kế đồ họa, nhưng cuối cùng phải làm giáo viên tại một trường cấp hai để có thu nhập ổn định.
Để tiếp tục theo đuổi đam mê, Rizky bắt đầu nhận các công việc thiết kế đồ họa tự do trên mạng. Trong thời gian nghỉ dạy, anh cũng tham gia vào công việc kinh doanh chụp ảnh cưới của bạn mình."Tôi rất vui vì nó vẫn là một phần cuộc sống của tôi," anh chia sẻ.
Còn đối với Joshua Bartholomew, 22 tuổi, người Malaysia, việc có thể theo đuổi âm nhạc như một nghề tay trái vừa thú vị vừa là phần thưởng về mặt tài chính.
Ngoài công việc bán hàng ở cửa hàng nhạc cụ, anh còn đi biểu diễn âm nhạc ở các lễ hội và đám cưới. "Một phần là vì đam mê, và cũng để kiếm thêm tiền tiêu vặt và giúp trả một số hóa đơn", anh chia sẻ.
Tuy nhiên, văn hóa làm thêm cũng đem lại nhiều rủi ro như làm việc quá sức, hay sự căng thẳng mệt mỏi khi phải đồng thời đáp ứng yêu cầu của nhiều công việc.
Trong thời gian diễn ra đại dịch ở Singapore, Vanessa Neo, 28 tuổi và Calvina Thenderan, 27 tuổi, quyết định kinh doanh đồ gia dụng trực tuyến. Nhưng Thenderan cho biết cả hai đều kiệt sức vì phải gồng gánh trách nhiệm của nhiều việc cùng lúc và phải hy sinh thời gian dành cho sở thích và và gia đình, bạn bè.
Ngoài ra, luật pháp không phải lúc nào cũng đứng về phía những người làm thêm. Wendy Wong, luật sư việc làm ở Hong Kong cho biết, nhiều chủ sử dụng lao động yêu cầu nhân viên không được làm ngoài. "Tôi nghĩ những người trẻ tuổi cần kiểm tra kỹ hợp đồng để đảm bảo không vi phạm bất cứ điều gì."
Đức Anh (Theo SCMP)