Năm 16 tuổi, Vincent Seah làm đầu bếp sushi để tăng thu nhập và tích lũy kinh nghiệm. Nhưng công việc lặp đi lặp lại với cường độ cao khiến anh mệt mỏi. Giờ làm thêm cũng không linh hoạt, yêu cầu tối thiểu tuần ba ngày.
"Tôi bắt đầu tìm kiếm những công việc mang lại sự chủ động và phù hợp hơn với ngành học của mình", chàng trai 21 tuổi, sinh viên ngành khoa học thể dục thể thao, nói.
Hiện Seah là huấn luyện viên kiêm đại sứ thương hiệu cho hai phòng gym với nhiệm vụ tiếp thị trên mạng xã hội và quản lý phòng tập. Công việc mới không yêu cầu số giờ tối thiểu, lương cao hơn ngành F&B (dịch vụ và ăn uống), giúp anh được theo đuổi đam mê thể thao và kết nối cộng đồng.
Giống Seah, nhiều người trẻ có xu hướng quay lưng với những công việc bán thời gian trong ngành F&B và bán lẻ. Vấn đề này khiến các doanh nghiệp F&B gặp rất nhiều khó khăn bởi đặc trưng của ngành là phụ thuộc vào lao động thời vụ, đòi hỏi ít kỹ năng và trả lương thấp.
Khảo sát của nền tảng tuyển dụng Indeed nhận thấy nhu cầu tìm việc bán thời gian tại lĩnh vực đóng gói, trợ lý bếp và phục vụ sụt giảm mạnh từ tháng 10/2023 đến nay.
Trong khi lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số, thực tập sinh và gia sư lại chứng kiến sự quan tâm lớn nhất của người trẻ trong cùng thời điểm.
Bà Saumitra Chand, chuyên gia nghề nghiệp tại Indeed cho biết: "Lao động trẻ ngày nay không chỉ quan tâm đến mức lương, thời gian linh hoạt mà còn muốn tăng trải nghiệm bổ ích và sử dụng thời gian hiệu quả khi tìm việc làm thêm".
H Sim, 17 tuổi, chọn làm nhân viên hành chính tạm thời tại một bệnh viện để tránh tiếp xúc với các khách hàng bởi từng nghe "công việc dịch vụ khá mệt mỏi".
Ow Fu Yang, 19 tuổi, thích nghề trông trẻ bởi muốn được chứng kiến chúng lớn lên từng ngày. Anh cũng cho rằng công việc trong ngành bán lẻ và F&B "lặp đi lặp lại và khá mệt mỏi".
Trong khi Vincent Koh lại tìm thấy niềm vui và thu nhập cao khi làm huấn luyện viên đạp xe. Công việc này cho phép nam sinh viên 24 tuổi chủ động sắp xếp lịch trình. Tiền lương từ việc dạy cũng cao hơn một ca làm việc toàn thời gian tại nhà hàng.
Các chuyên gia nghề nghiệp cũng nhận thấy người trẻ ngày nay có nhiều quan điểm khác nhau về mục đích đi làm thêm.
Như với Vincent Seah, công việc huấn luyện thể hành giúp anh xây dựng các mối quan hệ ngành thể thao. Còn với Alex Chan, 24 tuổi, sinh viên ngành kinh doanh Đại học RMIT, chọn làm thêm tại quán cà phê vì muốn tương tác với khách, trau dồi kỹ năng bán hàng.
Không vì mối quan hệ hay tiền, Hannah Soon, 22 tuổi, sinh viên điều dưỡng, chọn làm thêm trong ngành bán lẻ thay vì bệnh viện vì muốn trải nghiệm mới. Cô hy vọng được thử sức với nhiều lĩnh vực mới trước khi ra trường và công tác trong lĩnh vực y tế.
Nhưng lao động trẻ ưu tiên công việc chất lượng cao lại khiến nhiều chủ doanh nghiệp đau đầu. Một số quản lý cho biết tìm trạng này làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu nhân lực, ảnh hưởng đến sự tồn tại của chính doanh nghiệp.
Aminurrashid Hasnordin, bếp trưởng và đồng sáng lập doanh nghiệp F&B The Social Outcast tại Singapore, cho biết việc thu hút lao động trẻ làm bán thời gian ngày càng khó khăn trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch.
Andrew Chan, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Singapore, cho biết sinh viên ngày nay có ít thời gian để làm thêm do phải tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.
Bà Saumitra từ Indeed nói rằng cách tốt nhất để thu hút nhân sự trẻ là tạo cơ hội để họ được phát triển mọi kỹ năng. Như đơn vị tuyển dụng nên cung cấp giờ làm việc linh hoạt, tập trung vào các khía cạnh phát triển kỹ năng trong công việc.
Dù đã cung cấp nhiều chính sách hấp dẫn như tuần làm việc bốn ngày, tiền tưởng, phúc lợi sức khỏe nhưng sự chuyển mình của doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện được tình hình thiếu nhân lực. Như với The Social Outcast, người quản lý lo ngại nếu tình trạng này kéo dài, nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Minh Phương (Theo CNA)