Lứa cử nhân 2023 trải qua thời gian vài năm học tập, thực hành từ xa do dịch Covid-19 và vì thế chưa trang bị đầy đủ kỹ năng mềm để "sống sót nơi công sở". Họ có thể giỏi tính toán, lập trình nhưng cần được hỗ trợ khi nói đến các vấn đề như ứng xử, trang phục.
Thậm chí, dù được xem là "công dân số", kỹ năng viết email chuyên nghiệp của sinh viên cũng cần được cải thiện, theo Jialan Wang, trợ lý Giáo sư tài chính Đại học Illinois. Nhiều người không nhận ra tin nhắn nào là quan trọng và còn muốn giáo sư phản hồi ngay lập tức, kể cả đang trong ngày nghỉ.
Để giải quyết điều đó, một số công ty và trường học bắt đầu hướng dẫn Gen Z cách thích ứng với môi trường làm việc. Chẳng hạn, hãng kiểm toán KPMG đưa nhân viên mới đến trung tâm đào tại tại Florida để được hướng dẫn. Họ sẽ thực hành các tình huống như giải quyết xung đột trong nhóm, cách nói chuyện trực tiếp, cách giới thiệu bản thân đơn giản với khách hàng hay đồng nghiệp. Các mẹo quan trọng gồm duy trì trao đổi bằng ánh mắt, tạm dừng, tránh sử dụng biệt ngữ. Tốt nhất là lắng nghe người khác để điều chỉnh thông tin sao cho họ thấy hấp dẫn nhất. KPMG phát hiện nhiều nhân viên trẻ khá cứng nhắc, nói nhanh, thường sử dụng từ đệm vô nghĩa khi trình bày.
Hãng tư vấn Proviti mở rộng khóa đào tạo cho nhân viên mới trong suốt thời gian Covid-19, bao gồm các cuộc họp ảo, tập trung vào những vấn đề như làm thế nào để có cuộc trò chuyện thực sự. Scott Redfearn, Phó Chủ tịch nhân sự toàn cầu, tiết lộ họ phải nhắc nhở người mới tránh các lỗi trang phục như mặc quần bò rách.
Mỗi thế hệ đều đối mặt với một hay vài kiểu khoảng cách văn hóa khác nhau khi bước chân vào thị trường lao động, dù nó liên quan đến trang phục công sở, cách thức sử dụng công nghệ và mạng xã hội đúng đắn hay thích ứng với văn hóa doanh nghiệp không ngừng thay đổi.
Gen Z không phải ngoại lệ. Họ cũng có những bối rối như thế hệ Millennials hay Gen X khi chân ướt, chân ráo đi làm. Một số trường đại học đã tham gia để thu hẹp khoảng cách ấy. Theo giám đốc quản trị sự nghiệp Marla McGraw của Đại học bang Michigan, các doanh nghiệp cần thông báo rõ ràng với các nhân viên mới về cách ăn mặc, hành xử tại nơi làm việc.
Hiện tại, trường yêu cầu nhiều khoa tổ chức các lớp củng cố kỹ năng mềm cho sinh viên. Trong một khóa học như vậy, sinh viên được học cách tạm dừng sau khi giới thiệu bản thân để người khác nói tên của mình, cũng như cách xử lý khi người đối diện có dấu hiệu muốn kết thúc cuộc nói chuyện.
Sau khi hoàn thành kỳ thực tập từ xa kết hợp tại chỗ đầu tiên, Joslynn Odom, tân cử nhân của Đại học Miami, bày tỏ cô cảm thấy mệt mỏi vì phải mặc trang phục công sở cả ngày và duy trì năng lượng cả ngày. Nó làm cô nhận ra cần phải mài giũa kỹ năng giao tiếp và mạng lưới của mình.
Chương trình của trường đã giúp cô nhiều. Ngay trước khi tốt nghiệp, cô tham dự một bữa tối trang trọng, nơi cô được học hỏi nhiều từ những người đi trước. Đó là ăn cùng tốc độ với mọi người, chỉ nói về những chủ đề trung lập, tránh đặt câu hỏi riêng tư. Cô cũng học cách phết bơ vào bánh mỳ hay dùng dao, dĩa.
Dù đào tạo nhân sự mới là điều phổ biến tại các công ty, nhiều chuyên gia cho rằng Gen Z đang cần hướng dẫn hơn bao giờ hết. Họ nên gọi cho ai, liên lạc bằng cách nào, hay có ai đó vượt quá giới hạn không... tất cả đều là những vấn đề mà người mới sẽ gặp phải.
Trong khi đó, vài CEO tin rằng nhân viên trẻ được hưởng lợi nhiều hơn khi dành thời gian tại văn phòng. Đầu năm nay, Mark Zuckerberg – CEO Meta, công ty mẹ Facebook – khẳng định những nhân viên làm việc trực tiếp có hiệu suất trung bình cao hơn người làm từ xa. Vì vậy, Meta bắt đầu yêu cầu mọi người đến công ty ít nhất ba ngày mỗi tuần.
Huy Phương (Theo Insider, WSJ)