Kết quả này cho thấy sức mua ngày càng tăng của thế hệ vốn được xem là tiết kiệm và Gen Z đang thay đổi cách nhìn nhận, tiêu tiền cho ngày lễ hay các dịp kỷ niệm.
Dữ liệu của NRF cho thấy người tiêu dùng Mỹ sẽ tiêu 6,5 tỷ USD cho trang sức, 5,4 tỷ USD cho các buổi hẹn hò, 2,9 tỷ USD cho hoa tươi trong khi kẹo ngọt và thiệp chúc mừng lần lượt đạt 2,5 tỷ và 1,4 tỷ USD.
Tuy nhiên 50% Gen Z cảm thấy áp lực khi phải lên kế hoạch cho những buổi hẹn hò đắt đỏ. Họ đang ưu tiên đầu tư cảm xúc và trải nghiệm hơn quà cáp kiểu truyền thống.
Trên thực tế, Valentine ở Mỹ đang dần ít liên quan đến tình yêu mà để khẳng định giá trị bản thân.
Khảo sát của nền tảng cung cấp mã khuyến mãi CouponFollow cho thấy Gen Z sẽ dành 208 USD cho quà tặng Valentine cao hơn mức 200 USD của thế hệ Millennials.
Khoảng 32% người tiêu dùng Mỹ dự định tặng quà cho bạn bè trong khi 19% chọn mua cho đồng nghiệp. Điều này cho thấy Valentine không chỉ dành cho tình nhân mà còn để họ bày tỏ sự trân trọng các mối quan hệ khác.
Tiến sĩ Alex Beene ở Đại học Tennessee cho rằng thế hệ Millennials có xu hướng chi tiền cho du lịch trong khi Gen Z đang quay lại thói quen mua hoa hồng, socola.
Ông Kevin Thompson, giám đốc 9i Capital Group LLC, nói Gen Z chi tiền tặng quà nhiều nhất, dù bối cảnh giá nhà cao và chi phí sinh hoạt tăng, khiến họ chịu áp lực. "Việc mua quà không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp giảm căng thẳng", ông giải thích. "Họ đang chú trọng chất lượng hơn số lượng".
Dù vậy, họ vẫn được cho là nhóm nhân khẩu ngày càng có ảnh hưởng tài chính. Thói quen chi tiêu của Gen Z sẽ định hình không chỉ xu hướng mua sắm mà còn cả thị trường trong tương lai.
Ngọc Ngân (Theo Newsweek)