Đa phần Gen Z (những người sinh năm 1996 đến 2010) đang theo đuổi con đường học vấn, nhưng một số đã bắt đầu đảm nhận các vị trí lãnh đạo hoặc các nhà khởi nghiệp. Nhưng khi thế hệ này gia nhập vào thị trường lao động, một vài tranh luận xoay quanh nhiều vấn đề liên quan đến nhân sự nảy sinh gồm cách đặt mục tiêu cân bằng trong cuộc sống và công việc, hay xu hướng "quiet quitting" (bỏ việc trong im lặng).
Tuy nhiên, khi nhiều Gen Z dần bước lên vị trí nắm quyền và thay đổi khái niệm người lãnh đạo. Họ cho rằng quản lý nhân sự không phải là bề trên, chỉ biết ra lệnh cho người khác mà nên trở thành người hướng dẫn và làm bạn với cấp dưới.
Thực tế, việc thay đổi thế hệ lãnh đạo không phải điều mới. Các thế hệ Boomer (nhóm sinh năm 1946-1964), Gen X (năm 1965-1980) cũng từng vật lộn với làn sóng lãnh đạo mới thuộc thế hệ Millennials, và chu kỳ này vẫn tiếp tục.
Dưới thời quản lý của thế hệ Millennials, vai trò lãnh đạo đã có sự thay đổi theo hệ thống phân cấp, từ mô hình kim tự tháp sang cấu trúc quản lý theo phương pháp dân chủ và bình đẳng hơn.
Họ đã thay đổi hình thức lãnh đạo được bổ nhiệm cũ, bằng cách tạo ra một thế hệ cầm quyền có ảnh hưởng tích cực đầu tiên, những người thúc đẩy và được tôn trọng vì những tiến bộ, năng lực toàn diện.
Alexis Ohanian, người đồng sáng lập diễn đàn trực tuyến Reddit là ví dụ điển hình cho lãnh đạo thời kỳ này. Anh ủng hộ kế hoạch "nam giới nghỉ thai sản" có lương, cho phép nhân viên được nghỉ ở nhà 16 tuần khi con chào đời bởi tin rằng "chăm lo đến đời sống tinh thần của người lao động là sức mạnh cốt lõi và lợi thế cạnh tranh đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào".
Khi nghiên cứu và trò chuyện với Gen Z để phục vụ cuốn sách Reframing Generational Stereotypes (tái cấu trúc khuôn mẫu thế hệ), tác giả Rachele Focardi nhận thấy người trẻ ngày nay không còn tin tưởng vào thuật ngữ lãnh đạo.
Với Gen Z, lãnh đạo không phải vị trí hay đặc điểm tính cách, đó là một dạng trách nhiệm xã hội. Người lãnh đạo phải chấp nhận thử thách để phục vụ và giúp đỡ người khác, không kể lợi ích cá nhân. Điều này có nghĩa họ dẫn dắt tổ chức với nhiều sự đồng cảm và mục tiêu xã hội đầy tham vọng.
Bên cạnh đó, đoàn kết là điều rất quan trọng với Gen Z, đó là lý do họ không thích từ sếp. "Chúng khiến tôi liên tưởng đến một người luôn chỉ bảo người khác phải làm gì. Đáng buồn hơn, họ chỉ sai khiến chứ không định tự làm", Ellie, một sinh viên, nói.
Thay vì dẫn đầu nhóm, Gen Z muốn là một phần của nó. Nghiên cứu của Rachele Focardi, cứ hai người thì một người nói rằng việc trở thành sếp không quan trọng. Họ cảm thấy ý tưởng quản lý người khác khá đáng sợ, chủ yếu vì không muốn xa cách hoặc mất kết nối với đồng nghiệp.
"Tôi không muốn là người đánh giá công việc và hiệu suất của người khác", Ellie nói.
Thế hệ trẻ cũng không còn tin vào cách phân cấp tổ chức kiểu cũ, nơi nhân viên được thăng chức dựa vào thâm niên làm việc. Gen Z tin rằng các nhà quản lý nên ở cùng cấp độ với nhân viên và cùng làm việc.
Trong một tổ chức do Gen Z lãnh đạo, mọi người đều bình đẳng. Nhà quản lý không nên coi mình là người toàn quyền quyết định, thay vào đó nên là người tổng hợp thông tin, hỗ trợ ra quyết định và điều phối sự hợp tác giữa các nhóm. "Khi đó, khả năng lãnh đạo sẽ trở nên vô hình", Victor, một nhà quản lý đổi mới cấp cao làm việc chặt chẽ với Gen Z, nói.
Điều này có nghĩa sẽ không còn các nhà lãnh đạo độc đoán, quan liêu, người coi các thành viên trong nhóm là cấp dưới và ra lệnh cho họ.
Một quản lý Gen Z sẽ tìm cách trở thành người hướng dẫn, huấn luyện sinh viên, thậm chí là bạn bè. Họ tạo ra những không gian an toàn, khuyến khích sự khác biệt, nơi các thành viên trong nhóm ở mọi cấp độ có thể đưa ra ý tưởng nhanh chóng và nhân viên cấp thấp nhất cũng có sức ảnh hưởng đến quyết định được đưa ra. Đặc biệt, họ đề cao vào sức khỏe tinh thần, mức độ hạnh phúc, sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và sự linh hoạt của nhân viên.
Nhưng điều này không có nghĩa lãnh đạo Gen Z là người mềm mỏng, thiếu chính kiến. Họ cũng mong đợi trách nhiệm giải trình, khả năng cung cấp và nhận phản hồi mang tính xây dựng mọi lúc. Họ tìm kiếm sự trung thành và tin tưởng, muốn cộng sự học hỏi, dám thử những điều mới, đồng thời mong đợi sự giao tiếp cởi mở và tôn trọng lẫn nhau.
Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo này cũng xảy ra nhiều cạm bẫy, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp và khủng hoảng như việc miễn cưỡng chịu trách nhiệm làm chủ, dù kết quả là gì.
"Chúng tôi không thích đưa ra những quyết định khó khăn, quản lý kỳ vọng hay đối phó xung đột. Chúng tôi không muốn trở thành đầu mối liên lạc đầu tiên bất cứ khi nào xảy ra vấn đề", Bruce, một Gen Z mới làm việc trong ngân hàng ở Singapore, chia sẻ.
Nhưng tất nhiên, phong cách lãnh đạo sẽ luôn phát triển cho phù hợp. Khi có thêm kinh nghiệm trong môi trường kinh tế, chính trị phức tạp, phong cách của Gen Z sẽ dần thích nghi và biến đổi.
Bên cạnh đó, các tổ chức vốn gặp khó khăn trong việc hiểu và chấp nhận những điều kỳ quặc của Gen Z cũng nên lưu ý và nhanh chóng thích nghi bởi có thể không lâu nữa sẽ có sự thay đổi lãnh đạo tiếp theo.
Minh Phương (Theo CNA)