Người tham dự sự kiện đón năm mới 2025 dài 35 tiếng lại câu lạc bộ đêm Watergate ở Berlin, Đức là những cá nhân cuối cùng tận hưởng không khí tiệc tùng tại đây.
Watergate từng là địa điểm vui chơi nổi tiếng của Berlin nhưng giờ trở thành "nạn nhân" tiếp theo của hiện tượng "clubsterben" - sự sụp đổ của các câu lạc bộ. "Berlin không còn là điểm đến của những du khách yêu thích hộp đêm", ban quản lý của Watergate viết trong thông báo ngừng hoạt động.
Ông chủ hộp đêm này lý giải chi phí tăng cao, lượng khách du lịch giảm, sự thờ ơ của Gen Z khiến quán đóng cửa.
Áp lực Watergate gặp phải là vấn đề chung của nhiều thành phố nổi tiếng với cuộc sống về đêm như Berlin, Barcelona (Tây Ban Nha), Melbourne (Australia) hay New York.
Nhạc điện tử, đặc biệt là nhạc dance ngày càng phổ biến nhưng giới trẻ ngày nay có xu hướng kết thúc đêm tiệc sớm. Phân tích của Financial Times từ dữ liệu trên trang Resudent Advisor trong giai đoạn 2014-2024, số lượng các sự kiện kéo dài qua 3h sáng giảm ở 12/15 thành phố lớn trên thế giới.
Lutz Leichsenring, nhà sáng lập công ty tư vấn quốc tế về sự kiện đêm VibeLab, cho biết các hộp đêm thường đóng cửa sớm để tiết kiệm chi phí do doanh thu từ đồ uống giảm. Các sự kiện ban ngày cũng trở thành đối thủ lớn với hoạt động giải trí về đêm.
"Đặc biệt quy định về giấy phép trở nên nghiêm ngặt hơn sau đại dịch đã gây khó khăn cho các hộp đêm và nhà tổ chức sự kiện ở nhiều thành phố", Leichsenring nói.
Mặc dù một số nơi đã bổ nhiệm "thị trưởng đêm" (night mayor) và áp dụng chính sách "thành phố không ngủ", nhưng việc tăng cường giám sát các hoạt động về đêm sau đại dịch khiến các cơ sở mở xuyên đêm gặp khó khăn.
Mike Vosters, người sáng lập Matine Social Club chuyên tổ chức các bữa tiệc tối ở New York nói các buổi tụ tập trong khung giờ 17-22h vốn dành cho Gen Y (sinh năm 1981-1996) nay lại hấp dẫn Gen Z.
Vosters giải thích sự thay đổi này xuất phát từ việc người trẻ không muốn tiêu tiền vào rượu bia tại các câu lạc bộ đêm. Họ chú trọng hơn đến lối sống lành mạnh và khiến các bữa tiệc kết thúc sớm hơn.
Dữ liệu từ Resident Advisor cho thấy xu hướng này dần trở nên phổ biến. Các sự kiện kết thúc lúc 22h ở nhiều thành phố lớn ngày càng tăng.
Melbourne, thành phố từng được mệnh danh là thủ đô âm nhạc của thế giới, nổi tiếng với văn hóa vũ trường sôi động cách đây 20 năm cũng đối diện với khó khăn. Một trong những lý do là sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và chi phí tổ chức sự kiện ngày càng cao, nhất là sau Covid-19.
Một giám đốc trong ngành giải trí ở Australia nói người trẻ hiện đại ít có xu hướng tiệc tùng thâu đêm như các thế hệ trước. Điều này thể hiện rõ nhất khi hơn 100 hộp đêm ở Melbourne phải đóng cửa. Số lượng các câu lạc bộ mở cửa xuyên đêm cũng giảm.
Tại thủ đô Dublin của Ireland, các nhà vận động đang nỗ lực thay đổi quy định giấy phép nghiêm ngặt, yêu cầu các câu lạc bộ trả 410 euro (10 triệu đồng) mỗi đêm để được mở cửa từ 0h30 đến 2h30.
Sunil Sharpe, DJ kiêm đồng sáng lập tổ chức Give Us the Night, cho biết việc trì hoãn dự luật kéo dài giờ đóng cửa khiến ngành công nghiệp hộp đêm bế tắc. Ông ước tính chỉ còn 20-25 hộp đêm hoạt động ở Dublin và các khu vực lân cận.
"Việc mở một hộp đêm hay tổ chức đêm tiệc tốn nhiều chi phí hơn trong khi lượng khách giảm có thể khiến loại hình này sớm lụi tàn", Sunil nói.
Minh Phương (Theo Financial Times)