"Giờ này quá sớm so với châu Âu", chàng trai người Belarus nói. Anh cũng nhận ra giá taxi tăng gấp đôi vào ban đêm.
Seva Baskin, giám đốc một công ty bất động sản, đến Singapore ba tháng trước để du lịch và làm việc từ xa. Anh nghĩ các quán bar sẽ là nơi tốt để giao lưu với dân bản địa nhưng nhận ra mình đã lầm.
Đời sống về đêm của người Singapore đang ảm đạm bởi giới trẻ về nhà trước 0h, quán bar đóng cửa sớm, giá rượu và phương tiện giao thông cá nhân tăng vọt sau đại dịch Covid-19.
Phó giáo sư Lewis Lim ở Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) cho rằng "kinh tế đêm" của Singapore đang suy giảm. Trong khi trước đó, sự phát triển của ngành F&B (đồ ăn và thức uống) về đêm cùng sự hưởng ứng của giới trẻ ăn mặc thời trang, quán bar với đèn neon, nhạc lớn đã trở thành đặc trưng của đất nước này.
![Khách du lịch tìm hộp đêm ở khu Clarke Qua, Singapore. Ảnh: CNA](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/02/12/Screen-Shot-2025-02-12-at-00-5-4052-1542-1739298494.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yf_dvhHZVhpbFWUaXj-5eQ)
Khách du lịch tìm hộp đêm ở khu Clarke Qua, Singapore. Ảnh: CNA
Báo cáo của Cục Thống kê Singapore cho thấy doanh thu hoạt động của các quán rượu, hộp đêm, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ và phòng karaoke vào năm 2022 đạt khoảng 212 triệu USD, giảm mạnh so với mức đỉnh điểm 502 triệu USD vào năm 2015.
Đồng thời, Singapore đã ghi nhận hơn 3.000 cơ sở F&B đóng cửa vào năm 2024, mức cao nhất trong 20 năm qua kể từ 2005. Một nhân viên pha chế ở quán bar Enclave nói doanh thu đã giảm 30-40% kể từ khi họ mở cửa lại vào tháng 5 năm ngoái.
Ngoài chi phí tăng lên, thói quen và lối sống của người Singapore cũng đa thay đổi. Ông Mirza, chủ quán bar The Otherside, nói văn hóa làm việc tại nhà là một yếu tố.
Trước đó, giới trẻ làm việc ở văn phòng thường tụ tập cùng đồng nghiệp sau giờ làm. Khi họ chuyển sang làm từ xa, họ chỉ muốn ăn uống ngay tại khu vực mình sinh sống, nhu cầu ra ngoài giảm đáng kể.
"Quán bar vận hành được nhờ vào khách trực tiếp", ông nói. "Nhưng giờ đây, họ thậm chí họ còn không muốn ra ngoài ăn tối".
Đồng thời, Gen Z - nhóm khách hàng chủ lực của các quán bar, đang từ chối bia rượu. Ông Dennis Foo, người sáng lập Hiệp hội doanh nghiệp Kinh tế đêm Singapore (SNBA) cho rằng họ thích tương tác trên mạng xã hội hơn là trò chuyện trực tiếp.
Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Singapore mà còn trên toàn cầu. Theo The Guardian, nhiều quán rượu kiểu Nhật (izakaya) tại Nhật Bản đã phá sản do nhu cầu giảm. Giới trẻ Nhật ngày nay ít hơn và không còn xem việc uống nhiều rượu với đồng nghiệp là một phần quan trọng của đời sống xã hội, nhất là sau đại dịch.
Ở Mỹ, khảo sát của công ty phân tích dữ liệu Gallup năm 2023 cho thấy tỷ lệ người trẻ uống rượu đã giảm 10% so với 20 năm trước.
Ngọc Ngân (Theo CNA)