Li Shufu (Lý Thư Phúc), chủ tịch của Geely đang trăn trở việc đưa tập đoàn đang sở hữu Volvo Cars và 9,7% cổ phần của Daimler AG, đến một phân khúc mà hãng có thể chiếm một phần đáng kể trong thị trường ôtô điện đang phát triển của Trung Quốc.
Một loạt các hợp đồng được công bố vào tháng trước cho thấy Geely có ý định đưa mình trở thành nhà sản xuất hợp đồng cho xe điện ở Trung Quốc. Một giám đốc điều hành của Geely nói: "Thái độ của chủ tịch đối với việc sản xuất theo hợp đồng là rất rõ ràng, ông ấy đang nắm lấy nó và tích cực theo đuổi nó".
Việc gia công sản xuất một số mẫu xe thông qua các hợp đồng sản xuất thiết bị gốc (OEM) là điều phổ biến trong ngành công nghiệp ôtô, nhưng kế hoạch của Geely thể hiện nỗ lực tích cực nhất của một nhà sản xuất ôtô nhằm xây dựng một doanh nghiệp sản xuất theo hợp đồng.
Trong số bốn thương vụ được công bố, liên doanh với Foxconn của Đài Loan để cung cấp hợp đồng sản xuất xe điện là quan trọng nhất. Một thỏa thuận tiếp theo để chế tạo xe điện cho thị trường Mỹ thông qua công ty Faraday Future có trụ sở tại Los Angeles sẽ do liên doanh với Foxconn thực hiện.
Geely, nhà sản xuất ôtô tư nhân lớn nhất Trung Quốc, cũng đã thực hiện một thỏa thuận riêng để sản xuất ôtô điện thông minh cho gã khổng lồ Baidu, với mẫu xe đầu tiên sẽ ra mắt vào năm tới. Ngoài ra, hãng cũng đang bắt tay với Tencent Holdings về công nghệ điều khiển xe thông minh và lái xe tự động.
Các thỏa thuận này có thể giúp Geely tận dụng tối đa nền tảng tập trung vào xe điện, hiện có nguồn mở và có thể được sử dụng cho ôtô cỡ nhỏ đến lớn và thậm chí cả xe thương mại hạng nhẹ mà hãng đang theo đuổi.
Việc sản xuất theo hợp đồng lớn đối với Geely là không chắc chắn và công ty không có mục tiêu cụ thể nào vào ngay lúc này.
Ánh Dương (theo Autoblog)