Ngày 18/10, giới chức Trung Quốc công bố số liệu cho thấy GDP tăng 4,3% trong quý III. Số này vượt dự báo 4,5% của các nhà phân tích trong khảo sát trên Reuters, nhưng thấp hơn quý II (4,7%). Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm 2023.
Trong tháng 9, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tăng lần lượt 5,4% và 3,2%. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản vẫn là lực cản lớn, khiến Bắc Kinh khó thúc đẩy tăng trưởng.
"Số liệu quý III không bất ngờ. Nhu cầu nội địa yếu, thị trường nhà đất vẫn chật vật và tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại. Gói kích thích công bố cuối tháng 9 cần thời gian để phát huy hiệu quả, có thể là vài quý nữa", Bruce Pang - kinh tế trưởng tại JLL nhận định.
Từ cuối tháng 9, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tung hàng loạt biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng quanh 5% năm nay. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các nhà băng, hạ lãi tham chiếu cho vay và tỷ lệ trả trước mua nhà xuống 15%.
Ủy ban Cải cách và Phát triển kinh tế Trung Quốc (NDRC) cũng cấp 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD) cho các dự án đầu tư của địa phương, sớm một năm so với kế hoạch. Bộ Tài chính cam kết tăng hỗ trợ tài khóa, nhưng chưa đưa ra nhiều chi tiết.
Kinh tế Trung Quốc hiện tăng trưởng không đồng đều. Sản xuất công nghiệp vượt sức tiêu dùng nội địa, làm dấy lên rủi ro giảm phát. Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi sinh và nợ chính quyền địa phương ở mức cao. Các nhà hoạch định chính sách cam kết chuyển hướng tập trung sang tiêu dùng, thay vì rót tiền cho sản xuất và cơ sở hạ tầng.
"Dù mức tăng GDP quý III thấp hơn không đáng kể so với quý II, nó cũng cho thấy Trung Quốc khó đạt mục tiêu tăng trưởng nếu vẫn duy trì xu hướng này đến cuối năm. Chúng tôi đang chờ thông báo chi tiết hơn nữa về chính sách nới lỏng tài khóa", Zhiwei Zhang - Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết.
Hà Thu (theo Reuters)