Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn sự suy giảm của nền kinh tế bằng cách hỗ trợ chính sách và làm dịu lập trường trong một chiến dịch tránh rủi ro khi Mỹ áp thuế với hàng hóa Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc cần nhiều biện pháp hỗ trợ hơn vì rủi ro với triển vọng tăng trưởng của nước này đã tăng từ nửa cuối năm nay.
Theo một cuộc khảo sát với 68 chuyên gia kinh tế của Reuters, GDP quý III của Trung Quốc có thể tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này thấp hơn quý trước đó 0,1% và cũng là thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Tuy nhiên, dự báo từ các chuyên gia kinh tế của Reuters vẫn cao hơn mục tiêu GPD tăng 6,5% cả năm nay của Chính phủ Trung Quốc.
“Áp lực giảm với nền kinh tế tương đối lớn khi tiêu dùng suy yếu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng chưa ổn định. Vì vậy, các điều chỉnh chính sách rất cần được thực hiện khi áp lực bên ngoài gia tăng”, Tang Jianwei – chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bank of Communications ở Thượng Hải nhận định.
Các dữ liệu kinh tế gần đây đã chỉ ra sự suy yếu nhu cầu nội địa từ đầu tư cơ sở hạ tầng cho tới chi tiêu của người dân Trung Quốc. Mạch tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất trong 15 tháng liền đã bị chững lại vào tháng trước, các đơn hàng xuất khẩu giảm xuất mức thấp hai năm gần đây.
Một khảo sát khác cũng cho thấy các đơn vị sản xuất đang trong tình trạng căng thẳng. Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường các chuyến hàng trước khi chính sách thuế mới của Mỹ có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Đây là lý do khiến xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh trong tháng 9 và thặng dư thương mại với Mỹ đạt mức kỷ lục.
Xuất khẩu của các tỉnh, thành phố của Trung Quốc cũng đang đặt dưới áp lực lớn. Quảng Đông – tỉnh đứng đầu Trung Quốc về GDP cho biết, xuất khẩu 8 tháng đầu năm đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cảnh báo ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Đầu tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,7% năm nay và năm tới, do căng thẳng thương mại. Tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc năm sau cũng bị hạ lần lượt xuống 2,5% và 6,2% năm sau.
Xung đột thương mại cũng được coi là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán toàn cầu tuần trước lao dốc. Wall Street mất điểm mạnh nhất 8 tháng, còn chứng khoán Trung Quốc cũng xuống đáy 4 năm.
Anh Tú (theo Reuters)