- Trước những số liệu thống kê vừa được công bố, Thứ trưởng nhận xét như thế nào về tình hình kinh tế 6 tháng qua?
- Nhìn chung, tôi cho rằng tình hình đang chuyển biến theo xu hướng tốt dần lên. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng tương đương với mức tăng cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh dần phát huy tác dụng.
Vì thế, chỉ số hàng tồn kho đang giảm dần, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng dần qua từng tháng. Số doanh nghiệp đăng ký mới bắt đầu tăng so với cùng kỳ trong các tháng gần đây, ước tăng khoảng gần 8% trong 6 tháng đầu năm 2013. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh tăng trở lại. Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn ODA đạt khá...
- Chính phủ luôn coi trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong điều hành kinh tế khó khăn. Quan điểm này đã được thực hiện như thế nào trong giai đoạn vừa qua?
- Chính phủ luôn xác định quyết tâm là kinh tế càng khó khăn thì càng phải quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội. Chính vì vậy, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai tích cực không chỉ trong 6 tháng qua mà là trong nhiều năm nay, nhất là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Như chính sách đối với người có công, đã trợ cấp thường xuyên cho trên 1,5 triệu người; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho gần 1,9 triệu người trong dịp Tết Quý Tỵ. Đến nay, trên 98% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Trong 6 tháng, kinh phí thăm hỏi tặng quà từ ngân sách trung ương là 393,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa là trên 800 tỷ đồng. Đã xuất cấp không thu tiền gần 40 nghìn tấn gạo để cứu đói trong dịp Tết và giáp hạt vừa qua. Triển khai chính sách tín dụng lãi suất thấp cho hộ cận nghèo; nâng mức hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo lên 100%...
- Ông nhận định như thế nào về khả năng thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế năm nay?
- Nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều còn rất nhiều khó khăn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản giảm sút.
Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Thị trường bất động sản vẫn rất trầm lắng. Tiến độ thu ngân sách nhà nước chậm hơn cùng kỳ các năm trước; giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đạt thấp...
Trong diễn biến như vậy, sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại trong một thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản nhiều, tồn kho vẫn ở mức cao.
Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế.
Khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cần được tháo gỡ cùng với việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn vốn tín dụng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô để tăng niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào triển vọng đầu tư, kinh doanh.
Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo cần được tháo gỡ để từng bước phục hồi. Theo tôi, phải rất cố gắng thì GDP cả năm mới có thể đạt mục tiêu 5,5%.
- Thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, thưa ông?
- Chúng ta cũng biết là Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị đẩy mạnh việc triển khai Đề án tái cơ cấu kinh tế với những lộ trình rất cụ thể đối với từng bộ, ngành và từng lĩnh vực. Trong đó có nhấn mạnh đến các nội dung như trong quý II/2013, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu của ngành, lĩnh vực và địa phương. Tôi cho rằng Chính phủ đã thể hiện được quyết tâm không để tiến trình này chậm trễ thêm.
Theo VnEconomy