Thứ ba, 10/12/2024
Thứ hai, 6/5/2024, 11:22 (GMT+7)

GAZ Volga - ký ức 'xe Bộ trưởng' một thời

Dòng GAZ-24 mang tên riêng Volga được sử dụng trong những năm bao cấp, cho quan chức cấp Bộ trưởng trở lên.

Các thương hiệu xe Liên Xô tại Việt Nam phổ biến nhất hàng chục năm qua là Volga, Lada và UAZ. Giá trị các thương hiệu được hình thành một cách tự nhiên thông qua phân cấp xã hội của người sử dụng. Theo đó, xe Volga được cấp cho các quan chức từ Bộ trưởng trở lên, Lada cấp dưới hơn và UAZ thường thấy là xe quân sự.

Chiếc Volga "Xe Bộ trưởng" trong bài đang được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Tùy từng giai đoạn, cụm từ "xe Bộ trưởng" gắn với các dòng xe khác nhau, gần đây nhất là chiếc Toyota Crown.

Volga là dòng sedan mà GAZ sản xuất trong khoảng thời gian 1956-2010, ra đời để thay thế dòng xe cỡ trung GAZ-M20 Pobeda từ 1946. Sứ mệnh của Volga là phục vụ các "nomenklatura" trong xã hội Xô viết. Nomenklatura là từ để chỉ giới lãnh đạo, những người nắm quyền lực cao trong các lĩnh vực quan trọng của quốc gia thời bấy giờ. Chính vì vậy Volga luôn gắn liền với hình ảnh chính trị gia.

Những chiếc Volga nhập về Việt Nam từ những năm 1970, thuộc thế hệ thứ hai của Volga với mã GAZ-24. Điểm thay đổi lớn nhất trong thiết kế đời này so với đời trước là các đường nét trở nên vuông vức, gọn gàng, thay cho kiểu tròn trịa trước đó. Đặc điểm nhận dạng là đèn pha nằm cùng với cản trước chứ không lồi lên dạng "mắt ếch" cổ điển.

Xe có kích thước dài x rộng x cao là 4.735 x 1.800 x 1.490 mm, trục cơ sở 2.800 mm, trọng lượng 1.420 kg. Thời bấy giờ, Volga được ví ngang với Mercedes E-class. Kích thước này tương đương với C-class hiện nay.

Sau hàng chục năm sử dụng, lớp sơn xe vẫn còn khá bóng, không vết trầy xước. Các chi tiết kim loại khác đôi chỗ gỉ sét, còn lại vẫn được giữ khá tốt.

Gương chiếu hậu nhỏ như gương xe máy là kiểu thiết kế thường thấy của các dòng xe cổ điển.

Tên hiệu Волга (Volga) được gắn ở hông xe và trên cốp sau.

Thân xe đời này được làm bằng thép tương dối dày, xử lý lớp sơn tĩnh điện và sơn lót tốt để chống ăn mòn. Tuy vậy, chính GAZ cho biết khả năng cách âm chỉ ở mức cơ bản, để giảm chi phí cũng như ngăn ngừa đọng nước và gỉ sét.

Cửa mở bằng lẫy nhấn, thay vì tích hợp sẵn trong tay nắm như hiện nay. Ổ khóa cũng tách biệt bên dưới, có nắp che mưa, bụi.

Khoang nội thất đơn giản nhưng bố trí gọn gàng, thoáng đãng.

Xe sử dụng hộp số sàn 4 cấp. Có phanh đỗ độc lập và trợ lực phanh chân không thủy lực.

Bộ ghế là điểm nhấn lớn nhất trong khoang nội thất. Hàng ghế thứ hai sử dụng dạng ghế băng, phía trên bọc ren thêu hoa điệu đà. Đâylà loại da được bọc lại trong quá trình sử dụng.

Hệ thống treo trước độc lập với lò xo giảm chấn, càng chữ A lệch, và kết cấu dạng kingpin. Thay vì sử dụng các rô-tuyn như thông thường, xe sử dụng trục để kết nối càng A với trục xoay.

Kiểu kết cấu này có ưu điểm là chắc chắn, nhưng nhược điểm là phức tạp, bảo trì tốn công sức và khả năng vận hành kém. Góc caster được đặt 0 độ để đánh lái nhẹ hơn trong điều kiện thiếu trợ lực, với mục đích chính là giữ cho bộ lốp lâu mòn, một yêu cầu tiên quyết vào giai đoạn bấy giờ.

Hệ thống treo sau vẫn khá cơ bản, như các loại xe tải, đó là treo phụ thuộc, liên kết cầu cứng và giảm chấn bằng lá nhíp.

Tuy có những chi tiết rất xưa cũ nhưng mở nắp ca-pô lại khá tiện lợi. Nắp ca-pô mở ra sẽ được tự giữ bằng hệ thống thanh nối và lò xo. Ngày nay, hầu hết xe phổ thông đều dùng que chống, trong khi các mẫu xe cao cấp hơn sẽ giữ nắp mở bằng tay thủy lực.

Động cơ là loại 2,445 lít I4, chạy bằng xăng 92 trở lên, cho công suất 95 mã lực và mô-men xoắn 186 Nm.

GAZ đã dừng sản xuất dòng xe Volga từ 2010 để tập trung vào các dòng xe tải, xe buýt, xe thương mại có lợi nhuận cao hơn. Đời xe cuối cùng mang tên Volga Siber, ra đời 2008, với mục tiêu của hãng là 20.000 xe xuất xưởng cùng năm. Tuy nhiên, doanh số thấp hơn kỳ vọng rất nhiều. Cả năm 2009, hãng chỉ sản xuất 2.500 xe Siber, tính cả giai đoạn 2008-2010 là 9.000 chiếc.

Chiếc Volga GAZ-24 trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long được đăng kiểm lưu hành đến tháng 3/2019.

Đức Trí