![]() |
Bác sĩ Patrick Bodiou. |
Các chuỗi dây thần kinh chi phối cảm giác đau ở thắt lưng được bao bọc bởi một lớp màng dày, gọi là "màng cứng". Khi gây tê, các bác sĩ chọc một ống rất nhỏ ngoài sống lưng và ống này dừng lại cách màng cứng bọc tủy sống khoảng 15 mm. Sau đó, người ta bơm thuốc tê vào. Không có chuyện chọc kim vào thẳng tủy sống hay tử cung như người ta lầm tưởng. Đối với thai nhi, cũng không có vấn đề gì, vì thai nằm trong tử cung, trong khi thuốc tê nhằm vào hệ thần kinh của người mẹ.
Trong quá trình sản phụ chuyển dạ, các bác sĩ sẽ theo dõi để gia giảm liều lượng thuốc cho phù hợp. Hiện nay, sản phụ có thể tự điều chỉnh lượng thuốc tê, nếu thấy đau thì cứ vặn nút tăng thêm thuốc. Do thuốc tê có tác dụng rất nhanh nên ngay cả khi không lựa chọn phương pháp này từ đầu, họ vẫn có thể yêu cầu thực hiện nó trong khi chuyển dạ. Tác động của thuốc tê hoàn toàn hết sau khi sinh 1,5 giờ.
Theo thống kê tại Pháp, phương pháp này hầu như không gây biến chứng (1/250.000) và nếu có cũng không nguy hiểm. Một số sản phụ cảm thấy buồn nôn, đau đầu... khi được gây tê. Tuy nhiên, hiện tượng đó là do tâm lý chứ không phải do thuốc.
Gây tê ngoài màng cứng có hiệu quả đối với tất cả các sản phụ, không kể lứa tuổi hay sức khỏe. Tuy nhiên, có một số trường hợp không nên dùng phương pháp này:
- Sản phụ có tiền sử máu không đông.
- Nước ối đã nhiễm khuẩn lúc chuyển dạ.
- Sản phụ mắc bệnh ngoài da mà các vết thương lại nằm đúng vào khu vực xương sống thắt lưng.
Để loại trừ những trường hợp trên, sản phụ cần được làm một số xét nghiệm trước khi quyết định lựa chọn phương pháp giảm đau.
Phương pháp gây tê ngoài màng cứng đã được áp dụng từ lâu trên thế giới. Đa số sản phụ ở Pháp lựa chọn phương pháp này và hầu hết đều "mẹ tròn, con vuông". Riêng tại Việt Nam, mới có 3 cơ sở áp dụng phương pháp này là Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Quốc tế Việt Pháp (Hà Nội)
Lao Động