Theo thống kê của Cục chăn nuôi, Việt Nam vẫn là nước có ngành chăn nuôi manh mún. Hình thức chăn nuôi theo nông hộ nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến, chiếm khoảng 70% tổng đàn và cung cấp khoảng 40% sản phẩm cho xã hội.
Đặc điểm của chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ là người dân không tham gia liên kết vào một chuỗi giá trị sản phẩm nào mà chủ yếu tự thân vận động, tự sản xuất con giống, tự tìm nguồn thức ăn chăn nuôi và tự tiêu thụ sản phẩm.
Hình thức này thường có năng suất thấp, rủi ro dịch bệnh cao, không có khả năng kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đến giá thành cao và sản phẩm chăn nuôi ngày càng khó tham gia vào thị trường chung.
Vật nuôi ở các trang trại lớn được nuôi theo mô hình công nghiệp được ưu tiên thu mua trước. Bởi thức ăn và con giống ở đây thống nhất, rõ ràng nguồn gốc, quy trình chăn nuôi được quản lý minh bạch nên nguồn thịt chất lượng, dễ kiểm soát. Đó là lý do khi thị trường thừa cung, vật nuôi tại các nông hộ nhỏ lẻ khó tìm đầu ra, dẫn đến tình trạng rớt giá.
Thách thức chuyển đổi giống vật nuôi
Các chuyên gia chung nhận định, không thể phát triển mạnh ngành chăn nuôi, nâng cao sản lượng và chất lượng thịt, trứng, sữa nếu như vẫn còn tình trạng chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ như hiện nay.
Ngoài ra, tình trạng tự nhân giống vật nuôi dẫn đến khó kiểm soát được chất lượng cũng như nguồn gốc con giống, dễ xảy ra các loại dịch bệnh khi nuôi do con giống không đạt yêu cầu. Chất lượng thịt cũng khó đảm bảo đồng nhất khi con giống không đạt chuẩn...
Theo các chuyên gia chăn nuôi ở Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, lựa chọn con giống tốt là khâu quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả kinh tế của lứa vật nuôi đó. Do đó, ngay khi đặt chân đến Việt Nam từ 25 năm trước, C.P Việt Nam đã chú trọng đến việc nghiên cứu, phát triển giống vật nuôi phù hợp.
Ông Jirawit Rachatanan, Phó Tổng giám đốc điều hành C.P Việt Nam chia sẻ: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã chú trọng phát triển con giống tốt, có tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt ngon. Chất lượng con giống không ngừng được cải thiện hàng năm để đáp ứng thị hiếu của người Việt và thích nghi với điều kiện chăn nuôi Việt Nam".
Dù vậy, theo ông cái khó nhất của việc chuyển đổi giống vật nuôi của ngành chăn nuôi Việt Nam xuất phát từ nhận thức và mô hình sản xuất nhỏ lẻ của nông dân. Người nuôi thường tự nhân giống, hoặc mua giống vật nuôi của người quen, lựa chọn giống dựa trên kinh nghiệm bản thân theo kiểu may rủi...
Một khó khăn nữa là việc đáp ứng nhu cầu giống vật nuôi cho quá trình chuyển đổi, đòi hỏi không chỉ về kinh phí mà còn cả thời gian. Thị trường hiện chỉ có vài doanh nghiệp nông nghiệp lớn cung ứng giống vật nuôi đạt chất lượng, chưa đủ đáp ứng nhu cầu của Việt Nam vốn nằm trong Top 10 thị trường chăn nuôi thế giới.
Do vậy, đại diện C.P Việt Nam nhận định, Việt Nam cần có thêm nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm và năng lực khoa học - công nghệ làm vai trò đầu tàu trong nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống vật nuôi cho xã hội, đáp ứng nhu cầu cho giai đoạn phát triển mới của ngành.
Sự liên kết giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành chăn nuôi
Theo ông Jirawit Rachatanan, giống vật nuôi của C.P Việt Nam được tạo lập từ nguồn gen tốt nhất của thế giới. Nuôi thích nghi và chọn lọc trong điều kiện Việt Nam để nhân giống theo nhu cầu của thị trường, đảm bảo mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi.
C.P. Việt Nam cho biết đang có quần thể đàn heo giống cụ kị, ông bà và bố mẹ rất lớn và sạch bệnh, có thể nhân giống để đáp ứng đủ nhu cầu cho phát triển chăn nuôi heo trong nước, giúp người chăn nuôi heo Việt Nam chủ động và tự chủ nguồn con giống.
Ngoài ra, công ty còn nghiên cứu kết hợp các giải pháp khoa học - công nghệ tiên tiến về thức ăn, chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng và quản lý để nâng cao năng suất chăn nuôi và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Sự kết hợp này tạo quy trình chăn nuôi khép kín theo mô hình hiện đại, kiểm soát được chất lượng sản phẩm và chi phí bỏ ra cũng như lợi nhuận kinh doanh cho người chăn nuôi.
Trong quá trình chăn nuôi, vật nuôi được theo dõi kỹ qua từng giai đoạn. Hệ thống chuồng kín có tiểu khí hậu được điều khiển tự động phù hợp với con vật. Thức ăn, nước uống được cung cấp tự động giúp phát huy tối đa tiềm năng di truyền của vật nuôi. Do vậy, con vật khỏe mạnh, năng suất cao, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tồn dư kháng sinh.
Mặt khác, các trang trại heo của C.P Việt Nam có thiết kế theo không gian hài hòa môi trường, con người và vật nuôi, tỷ lệ cây xanh chiếm 2/3 diện tích. Với cách làm trại heo như vậy, mọi thứ đều được vận hành tuần hoàn, doanh nghiệp có thể tái sử dụng hoặc không phải vứt đi thứ gì.
Chẳng hạn, chất thải của heo được đưa vào hệ thống biogas để tạo gas cung cấp cho máy phát điện phục vụ lại cho trại (đáp ứng 30% nguồn điện của trại). Nước thải được đưa vào hệ thống tưới cho cây cối. Nhau thai từ heo hay heo con chết được làm thức ăn cho cá sấu được nuôi tại trại.
Tuy nhiên, theo ông Jirawit Rachatanan, C.P Việt Nam có thể đảm nhiệm vai trò tiên phong, nghiên cứu và phát triển con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi tiên tiến, mô hình chuồng trại hiện đại cũng không thể gánh hết ngành chăn nuôi ở Việt Nam mà cần sự liên kết của nhiều kênh, trong đó quan trọng nhất là người nông dân, các nông hộ.
Ông cho rằng: "Khi liên kết sản xuất với doanh nghiệp, người chăn nuôi được thừa hưởng những kết quả khoa học công nghệ về con giống và kỹ thuật chăn nuôi mà bản thân nông hộ nhỏ rất khó tiếp cận".
Theo đó, người chăn nuôi có thể lựa chọn giống vật nuôi để sản xuất ra sản phẩm nguồn gốc rõ ràng. Sau đó, họ lựa chọn loại thức ăn chăn nuôi phù hợp với tiềm năng sản xuất của con giống, đồng thời thực hiện chăn nuôi theo một quy trình nghiêm ngặt để sản xuất ra sản phẩm thực phẩm đồng nhất về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và nông dân theo mô hình này còn là giải pháp quan trọng để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi ngoài con giống chất lượng, người nuôi có thể kiểm soát toàn bộ hệ thống chăn nuôi từ thức ăn, trang trại, quy đến chế biến thực phẩm; hay còn gọi là mô hình chuỗi giá trị 3F (Feed: thức ăn - Farm: nông trại - Food: thực phẩm).
Theo ông Jirawit Rachatanan, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam tiên phong xây dựng và nhân rộng mô hình này, hiện đang tích cực liên kết cùng các hộ nông dân để nhân rộng mô hình mạnh mẽ hơn, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành chăn nuôi Việt Nam.
"Suốt 25 năm đầu tư vào Việt Nam, C.P. Việt Nam luôn đóng góp tích cực vào quá trình phát triển chăn nuôi thông qua việc cung cấp con giống chất lượng cao, giới thiệu, chuyển giao công nghệ chăn nuôi cho người nông dân Việt", ông nói.
Hồng Dung