Gấu trúc nuôi nhốt quá nhút nhát trong hoạt động giới tính

Tại Trung Quốc, các cánh rừng trúc đang bị mất dần do nạn chặt phá, kéo theo những tác động tiêu cực lên quần thể loài gấu ăn trúc này. Số lượng gấu trúc hoang dã ổn định trong nhiều thập kỷ qua, nhưng theo một báo cáo mới đây của Quỹ thú hoang Thế giới (WWF), gấu trúc vẫn ở “bên bờ của sự tuyệt chủng”.
Không sẵn sàng cho sinh sản
Báo cáo của WWF cho thấy, gấu trúc nuôi nhốt thường không quan tâm tới đối tượng khác giới được lựa chọn cho chúng. Chúng dường như không thể hoặc không sẵn sàng giao phối. Khi có người quan sát, hoạt động giao phối của chúng sẽ bị "cụt hứng". Chỉ có khoảng một phần tư gấu trúc nuôi nhốt sinh sản và số gấu con chết đi nhiều hơn số được sinh ra. Chương trình nhân giống gấu trúc nuôi nhốt đã không làm tăng lên quần thể của chúng. Nói một cách khác, chương trình này không có tính bền vững.
Suy giảm số lượng gấu trúc hoang dã
Gấu trúc hoang dã cũng có vấn đề trong hoạt động sinh sản, nhưng không phải là do "ngại" giao phối, mà là nguy cơ giao phối cận huyết. Số liệu của WWF cho thấy, tại tỉnh Tứ Xuyên, môi trường sống của gấu trúc đã bị thu hẹp khoảng 50% vào giữa năm 1974 và 1989. Tiến sĩ Lu Zhi, một đồng tác giả của báo cáo cho biết: “Sự phân tách vùng cư trú là đặc biệt nguy hiểm với gấu trúc, do chúng phải điều chỉnh cơ thể theo chu kỳ sống của trúc, mà loài này thì ra hoa và chết theo mùa. Mặt khác, những nhóm gấu trúc sống cách ly sẽ phải đối mặt với nguy cơ giao phối cận huyết. Kiểu giao phối này sẽ làm suy giảm sức đề kháng của các thế hệ con cháu. Chúng trở nên kém thích nghi với sự thay đổi của môi trường và giảm tốc độ sinh sản”.
Theo báo cáo, hiện còn khoảng 1.000 con gấu trúc hoang dã tại một số tỉnh miền tây Trung Quốc. Nhưng ông Stuart Chapman, thuộc tổ chức WWF (Anh), người đã làm việc hai năm trong một khu bảo tồn gấu trúc cho hay, số liệu trên là không trung thực. Theo ông: “Loài này rất dễ bị tổn thương bởi các hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp và chiếm nơi cư trú. Chính phủ Trung Quốc phải nhanh chóng tạo ra các rừng bảo vệ hành lang, nối các quần thể gấu trúc bị cách ly với nhau. Ngoài ra, kinh phí cho các khu bảo tồn cũng cần được tăng cường, nếu không, gấu trúc sẽ vẫn trong tình trạng “bên bờ vực thẳm”.
Bích Hạnh (theo BBC, 16/2).