Gấu trúc đỏ (Ailurus) sinh sống chủ yếu bên trong các khu rừng núi cao trên dãy Himalaya. Các nhà khoa học trước đây cho rằng chi động vật có vú này chỉ có một thành viên duy nhất còn tồn tại là loài A. fulgens. Tuy nhiên, nghiên cứu mới do nhà sinh vật học Yibo Hu từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc dẫn đầu đã chỉ ra sự khác biệt trong ADN của hai quần thể gấu trúc đỏ khác nhau.
Nhóm nghiên cứu đặt tên cho hai loài là gấu trúc đỏ Trung Quốc và gấu trúc đỏ Himalaya. Loài đầu tiên được tìm thấy ở phía bắc Myanmar, phía đông Tây Tạng và hai tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam ở tây nam Trung Quốc; trong khi gấu trúc đỏ Himalaya sinh sống ở phía nam Tây Tạng, Nepal, Ấn Độ và Bhutan.
Việc công nhận sự tồn tại của hai loài riêng biệt có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực bảo tồn gấu trúc đỏ, động vật hiện có nguy cơ tuyệt chủng theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Các chuyên gia ước tính chỉ còn dưới 10.000 con sinh sống trong môi trường tự nhiên và số lượng có xu hướng giảm mạnh do mất môi trường sống và dịch bệnh.
"Để bảo tồn tính độc đáo về mặt di truyền, chúng ta nên tránh để hai loài giao phối, thứ có thể gây hại cho sự thích nghi di truyền được thiết lập cho môi trường sống của chúng", Yibo Hu giải thích.
Bên cạnh ADN, hai loài cũng khác nhau về một số đặc điểm vật lý. Gấu trúc đỏ Trung Quốc được mô tả là có lông mặt đỏ hơn, ít màu trắng hơn và có các sọc lông đuôi đậm hơn so với họ hàng của nó. Về quy mô quần thể, gấu trúc đỏ Trung Quốc cũng có số lượng lớn hơn và đa dạng hơn về tính di truyền.
Đoàn Dương (Theo BBC/Guardian)