Công viên tự nhiên quốc gia Synevyr ở tây nam Ukraine hôm 24/12 cho biết ở trung tâm tái định cư của họ, hiện nay chỉ có ba con gấu nâu đang ngủ đông. Điều này khá bất thường bởi mùa đông là thời kỳ gấu ngủ đông trong năm.
Hiện tượng mất ngủ ảnh hưởng tới 29 trong tổng số 32 con gấu nâu sinh sống ở trung tâm. Những con gấu này đã sống cả đời trong công viên. Theo các chuyên gia bảo tồn, phần lớn gấu ngủ đông vào năm ngoái. Nhưng nhiệt độ không khí năm nay chưa đủ thấp để thôi thúc chúng đi ngủ.
Nhiệt độ ở công viên tự nhiên quốc gia Synevyr vào khoảng 4 độ C, cao hơn mức trung bình tháng 12 (-2,3 độ C) và gần bằng mức trung bình tháng 4 (6,9 độ C), thời gian gấu chui ra khỏi hang sau kỳ ngủ đông. Theo công viên, khu vực chỉ trải qua một tuần thực sự lạnh, kéo theo ba con gấu ngủ đông. Những con còn lại đang chờ đợt sương giá.
Nhiệt độ ngoài trời có thể là căn cứ quan trọng để gấu quyết định thời điểm và thời gian ngủ đông. Các nghiên cứu chỉ ra vài tuần trước kỳ ngủ đông, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể gấu giảm dần và chúng vận động ít hơn. Khi nhiệt độ xuống tới 0 độ C và tuyết rơi, gấu chui vào hang để trú ngụ qua mùa đông.
Theo Cơ quan Vườn quốc gia, thời gian gấu ngủ đông khác nhau tùy theo từng loài, từ vài ngày tới hàng tuần (gấu đen ở Mexico) hoặc hàng tháng (gấu nâu ở Alaska). Quá trình này cho phép chúng sống sót qua những tháng mùa đông khan hiếm thức ăn với tuyết bao phủ và nhiệt độ lạnh.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, biến đổi khí hậu dường như đang làm thay đổi hành vi của động vật. Phát hiện của các nhà khoa học trên tạp chí Applied Ecology năm 2017 cho thấy, gấu đen ngủ đông ít hơn và ra khỏi hang sớm hơn khi thời tiết ấm lên. Nhiệt độ mùa đông cứ tăng 1 độ C, thời gian ngủ đông của gấu đen lại giảm 6 ngày. Vào năm 2050, thời gian ngủ đông trung bình của gấu ở bang Colorado ở Mỹ có thể giảm 15 - 39 ngày.
An Khang (Theo Newsweek)