Vi sinh vật này có tên khoa học là Acutuncus antarcticus thuộc ngành Tardigrada, thường được tìm thấy trong môi trường băng giá phủ rêu hay địa y và ăn tế bào thực vật tại Nam Cực.
Các vi sinh vật thuộc ngành Tardigrada có tên gọi phổ biến là "gấu nước" (water bear). Tên gọi của nó bắt nguồn từ hình dạng mập mạp và rất giống một con gấu tí hon trên kính hiển vi. Con trưởng thành có chiều dài 1,5 mm, con nhỏ nhất dưới 0,1 mm. Con mới nở có thể nhỏ hơn 0,05 mm.
Theo Asahi Simbun, nghiên cứu việc hồi sinh vi sinh vật trên mở đường giải mã những bí ẩn về sự tồn tại lâu dài của nó trong điều kiện băng giá khắc nghiệt ở Nam Cực.
Báo cáo do Viện nghiên cứu Địa cực Quốc gia (NIPR) ở thủ đô Tokyo công bố ngày 14/1 cho biết vào tháng 11/1983, một đoàn thám hiểm Nhật Bản thu thập mẫu băng phủ rêu có chứa vi sinh vật Acutuncus antarcticus và đem về bảo quản đông lạnh ở nhiệt độ âm 20 độ C tại NIPR.
Trong tháng 5/2014, mẫu băng được rã đông cho thấy hai vi sinh vật được đặt tên là SB-1 và SB-2 (viết tắt của Sleeping Beauty - người đẹp ngủ trong rừng) có kích thước khoảng 0,3 mm bắt đầu hồi sinh và di chuyển trong nước.
SB-1 hoạt động khỏe mạnh sau 23 ngày hồi sinh và đẻ 19 trứng, trong đó có 14 trứng nở thành công; còn SB-2 đã chết sau 20 ngày do ăn không đủ lượng tảo cần thiết.
Theo Russia Today, các nhà khoa học cho biết các loài Tardigrada có thể tồn tại trong điều kiện môi trường rất khắc nghiệt, như dưới biển sâu hay trên các đỉnh núi phủ tuyết. Trong điều kiện đóng băng, chúng rơi vào một trạng thái gọi là cryptobiosis, khi đó cơ thể nó ngưng quá trình trao đổi chất và không có dấu hiệu của sự sống.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cryobiology cho biết Acutuncus antarcticus hồi sinh là một kỷ lục mới, bởi trước đó một mẫu vật vi sinh vật thuộc Tardigrada được phát hiện tồn tại trong trạng thái đóng băng suốt 8 năm. Tuy nhiên Acutuncus antarcticus vẫn chưa thể đánh bại kỷ lục tồn tại trong trạng thái đông lạnh 39 năm của một loài giun tròn (nematode worm).
Xem thêm: Bí ẩn về khả năng bất diệt của sinh vật có từ 500 triệu năm trước
Huỳnh Phương