Những con gấu đang phải đối mặt với thời gian nhịn đói lâu hơn do băng biển thu hẹp nhanh chóng, khiến chúng không có nhiều thời gian kiếm ăn. Trọng lượng cơ thể giảm dần làm suy yếu cơ hội sống sót của chúng qua mùa đông, theo trưởng nhóm nghiên cứu Steven Amstrup từ tổ chức bảo tồn Polar Bears International.
"Bằng cách mô hình hóa việc sử dụng năng lượng, chúng tôi có thể tính được số ngày mà gấu Bắc cực có thể nhịn ăn dựa trên khối lượng cơ thể. Chẳng hạn, một con gấu đực trong quần thể vịnh West Hudson nhẹ hơn 20% so với những cá thể bình thường chỉ có đủ năng lượng dự trữ cho 125 ngày, chứ không phải 200 ngày", đồng tác giả Peter Molnar từ Đại học Toronto giải thích.
Trong bài đăng trên tạp chí Nature Climate Change, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh 12/13 quần thể gấu được phân tích đã suy giảm nghiêm trọng trong những thập kỷ qua do biến đổi khí hậu ở Bắc cực, nơi có tốc độ nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu.
"Đến năm 2100, có thể sẽ không còn con non nào được sinh ra", Amstrup cảnh báo. Đây là kịch bản khi nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất tăng 3,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được kiểm soát ở mức 2,4 độ C - cao hơn khoảng nửa độ so với mục tiêu đầy tham vọng trong Hiệp định Paris - con người cũng chỉ có thể làm chậm sự tuyệt chủng của gấu Bắc cực. Cách duy nhất để cứu loài thú ăn thịt lớn nhất trên cạn này là bảo vệ môi trường sống của chúng bằng cách ngăn sự nóng lên toàn cầu.
Đoàn Dương (Theo AFP)