Theo định luật vạn vật hấp dẫn, lực hấp dẫn giữa hai vật thể giảm dần theo bình phương khoảng cách giữa chúng. Do vậy, với hệ hai thiên thể ở cạnh nhau, phần bề mặt trên thiên thể này nằm gần thiên thể kia hơn sẽ chịu lực hút mạnh hơn một chút so với phần nằm xa. Chênh lệch lực hút này tạo ra lực thủy triều.
Mặt trăng cũng tạo ra lực thủy triều trên Trái đất, tác động lên cả đại dương và lớp vỏ đất đá của Trái đất. Hiệu ứng rõ rệt nhất là làm đại dương lý tưởng, nếu không có lục địa, sẽ nằm cân bằng ở hình dạng ellipsoid với hai "bướu" nhô lên khoảng một mét, một bướu nằm gần Mặt trăng và bướu kia nằm đối diện.
Trên thực tế, do Trái đất tự quay trong trường lực thủy triều, đại dương không bao giờ kịp đạt hình dạng cân bằng vì giới hạn của tốc độ sóng và sự cản trở bởi nhiều yếu tố. Lực trủy triều và chuyển động tự quay của Trái đất tạo ra những sóng thủy triều với bước sóng rất dài, đỉnh sóng ứng với triều dâng và đáy sóng ứng với triều hạ.
Vị trí biểu kiến của Mặt trăng lặp lại sau khoảng một ngày 50 phút. Như vậy không có thời điểm thủy triều lên xuống cố định mà thông thường thủy triều dâng lên hay hạ xuống theo chu kỳ khoảng một ngày 50 phút. Do đó, muốn biết triều dâng hay triều hạ ngày hôm nay thì phải biết thời điểm triều dâng hay hạ ngày hôm trước rồi cộng thêm khoảng 50 phút.
Ngoài ra, thủy triều ở từng nơi còn phụ thuộc địa hình biển, ma sát giữa đại dương với đáy biển, độ nhớt biển, nhiễu loạn dòng chảy và cả các điều kiện khí tượng...
Mặt trời cũng gây ra hiện tượng thủy triều trên Trái đất, nhưng lực thủy triều của Mặt trời chỉ bằng khoảng một nửa so với Mặt trăng. Tổng hợp tác động của lực thủy triều Mặt trăng và Mặt trời làm thay đổi thủy triều với chu kỳ tuần hoàn khoảng hai tuần:
Thủy triều đạt đỉnh trên Trái đất (triều cường) khi lực thủy triều do Mặt trăng và Mặt trời gây ra cùng phương tức là ba thiên thể thẳng hàng. Điều này chỉ xảy ra vào các pha không trăng (đầu hoặc cuối tháng âm lịch) và pha trăng tròn (giữa tháng âm lịch).
Thủy triều yếu nhất (triều kém) khi lực thủy triều do Mặt trăng và Mặt trời gây ra có phương vuông góc với nhau. Khi đó, Mặt trăng ở pha bán nguyệt (khoảng mồng 7-8, 23-24 âm lịch). Như vậy, một tháng âm lịch sẽ có hai chu kỳ của thủy triều, trong đó triều cường vào những ngày đầu (hoặc cuối) và giữa tháng âm lịch.
Khi có nhật thực hoặc nguyệt thực, đặc biệt là nhật thực hoặc nguyệt thực toàn phần, ba thiên thể Trái đất, Mặt trăng, Mặt trời thẳng hàng nhất, triều cường thường mạnh hơn những ngày không trăng hoặc trăng tròn bình thường khác.
Tuy nhiên do khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất thay đổi từ khoảng 356.400 km tại cận điểm gần nhất đến 406.700 km tại viễn điểm xa nhất, chênh nhau 14%. Nếu Mặt trăng nằm tại cận điểm gần nhất đồng thời đang ở pha trăng tròn thì nó được gọi là siêu trăng; còn trăng tròn xảy ra ở viễn điểm xa nhất được gọi là vi trăng. Siêu trăng sáng hơn 30% so với vi trăng, do có đường kính góc lớn hơn 14% và diện tích sáng gấp khoảng 1,3 lần.
Mặt trăng trông lớn hơn khi gần đường chân trời nhưng đây không phải là siêu trăng mà hoàn toàn là hiệu ứng tâm lý: Khi quan sát Mặt trăng, Mặt trời ở trên cao, giữa bầu trời sẽ có cảm giác nhỏ hơn khi quan sát chúng ở thấp (gần dãy núi, mặt biển).
Khi có siêu trăng, lực thủy triều do Mặt trăng gây ra sẽ lớn nhất do khoảng cách tới Trái đất khi đó là gần nhất, triều cường cũng sẽ đạt đỉnh cao nhất. Triều cường còn có thể đạt đỉnh cao hơn nữa vào ngày vừa có siêu trăng vừa có nguyệt thực toàn phần, còn gọi là "siêu trăng máu". Tuy nhiên, sự trùng lặp như vậy rất hiếm khi xảy ra.
Câu 4: Mặt trăng là khối cầu nhưng khi quan sát trên Trái đất chỉ có thể thấy một nửa của nó mà không nhìn thấy nửa còn lại là vì?
A. Trục quay của Mặt trăng luôn hướng về phía Trái đất
B. Chu kỳ tự quay của Mặt trăng bằng chu kỳ Mặt trăng quay quanh Trái đất