Trăng quầng thường tương ứng khi thời tiết oi bức hoặc rất ít mây. Khi thời tiết khô, ít hơi nước, trên tầng cao của khí quyển chỉ có mật độ thấp các hạt băng (nước đá). Ánh sáng từ Mặt trăng (vốn do Mặt trời chiếu sáng) khi đi vào khí quyển xuyên qua các tinh thể có dạng lục giác này bị khúc xạ gây nên một vòng sáng trắng có bán kính khoảng 22 độ (độ rộng đường kính 44 độ) quanh Mặt trăng, gọi là nguyệt quang.
Đó chính là hiện tượng con người thường thấy trong những ngày trời oi, khô ráo, ít hơi nước, ít mây. Khi nhìn thấy vòng hào quang này, người ta thường dự đoán rằng trời sẽ còn oi bức và khô trong những ngày tiếp theo.
Khi trên tầng cao khí quyển có lớp mây ti, chứa nhiều giọt nước nhỏ, giọt nước đóng băng, ánh sáng Mặt trăng chiếu vào do hiện tượng nhiễu xạ qua các giọt nhỏ trong mây hoặc đôi khi là các tinh thể băng nhỏ tạo nên hình ảnh tán trăng. Tán trăng là các vòng tròn kích thước nhỏ không tách bạch rõ ràng với Mặt trăng và cũng không tách bạch rõ ràng với nhau, có màu hơi giống cầu vồng còn gọi là quang hoa.
Các quang hoa có thể mở rộng đến 15º và thường bị "co giãn" khi đám mây di chuyển qua. Điều này dẫn đến kinh nghiệm rằng khi Mặt trăng có "tán" như vậy tức là trời đang có nhiều mây và sớm có mưa.Tuy nhiên, kinh nghiệm dân gian không phải luôn đúng mà chỉ có tính chất tương đối.