Merriam-Webster, công ty Mỹ chuyên xuất bản sách tham khảo, đặc biệt nổi tiếng với các bộ từ điển, ngày 28/11 tuyên bố chọn "gaslighting" là từ của năm 2022, bởi nó trở thành "từ được ưa chuộng để mô tả hành động lừa gạt người khác". Merriam-Webster bắt đầu công bố "từ của năm" vào năm 2008 và duy trì cho đến nay.
Gaslighting được định nghĩa là một hình thức thao túng tâm lý hoặc cảm xúc, trong đó thông tin bị bóp méo gây lo lắng, bối rối cho nạn nhân, khiến họ dần nghi ngờ suy nghĩ, giá trị, trí nhớ, óc phán đoán của bản thân và mất đi cảm nhận thực tế.
Thuật ngữ này cũng có ý nghĩa phức tạp hơn là một lời nói dối, khi việc thao túng tâm lý để khiến nạn nhân tin rằng bản thân mình sai "thường là một phần của kế hoạch lớn hơn", theo Merriam-Webster.
Thuật ngữ "gaslighting" được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu tâm lý và tâm lý trị liệu. Nó bắt nguồn từ vở kịch Gaslight năm 1938, nói về hành vi bạo hành tâm lý có hệ thống của nhân vật Jack đối với người vợ Bella.
Jack cố gắng thuyết phục mọi người và chính vợ mình rằng cô bị điên, bằng cách thay đổi vị trí đồ đạc trong nhà rồi khăng khăng rằng cô nhớ nhầm hoặc trí nhớ của cô có vấn đề.
Vở kịch được chuyển thể thành bộ phim cùng tên năm 1944 và trở nên nổi tiếng sau đó. Gaslighting dần được sử dụng như một từ để miêu tả hành vi lạm dụng nhận thức. Nó đặc biệt phổ biến trong những năm gần đây, trong "thời kỳ của thông tin giả", thậm chí được sử dụng trong chính trị, truyền thông và giải trí.
Thống kê của Merriam-Webster cho thấy lượt tìm kiếm thuật ngữ "gaslighting" trong năm nay tăng 1740% so với năm trước đó. Các từ thường xuyên được tìm kiếm khác là "Omicron", "vương hậu" hay "LGBTQIA".
Đức Trung (Theo CNN)