Anh An cho biết đã mua 7 tấm pin mặt trời (pin quang điện) loại 500 Wp với tổng công suất lắp đặt 3 kWp, trong đó có một tấm dự phòng, trên cộng đồng mua bán thiết bị điện mặt trời. Người bán giới thiệu đây là sản phẩm "mới được tháo mái từ các dự án điện mặt trời không thể hòa lưới, bảo hành hai năm và có thể đổi trả nếu không vừa ý".
Nếu mua mới trên thị trường, số pin này khoảng 20 triệu đồng. Mua loại tháo mái - là pin đã lắp lên dàn và có thể vận hành, nhưng vì lý do khác nhau chúng được tháo và không tái sử dụng cho dự án đó - giúp anh An tiết kiệm hai phần ba số tiền.
Tuy nhiên, chất lượng pin không như mong đợi. "Hầu hết đều xước dăm trên bề mặt, một số nứt nhẹ phần góc. Lúc lắp đặt, tôi phải loại một tấm không đạt yêu cầu", anh An cho hay. Liên hệ với bên bán, anh chỉ nhận được lời giải thích qua loa
Trong quá trình sử dụng, các tấm còn lại bộc lộ vấn đề về hiệu suất. Khi mới vận hành, sản lượng điện tạo ra đo được tương đương 80% so với pin mới - mức chấp nhận được với pin cũ. Tuy nhiên, lượng điện tạo ra tiếp tục giảm, không được như lúc mới lắp, dù trời nắng to.
Sau hai tháng, anh nhờ một kỹ thuật viên chuyên về điện mặt trời kiểm tra, hiệu suất lúc này còn chưa đến 50%. Anh được khuyên nên thay mới toàn bộ. "Tôi gọi cho bên bán, nhưng họ đã chặn số. Pin tháo ra giờ cũng không biết làm gì, vì bán không ai mua mà vứt bỏ cũng khó", anh nói.
Tương tự Hoàng An, Hoài Phương (Đăk Lăk) cũng chọn pin mặt trời cũ để giảm chi phí. Nhưng thay vì mua qua mạng, anh đi cùng bạn là kỹ thuật viên điện mặt trời đến tận cửa hàng để chọn. "Sau gần hai tiếng, tôi chỉ lựa được vài tấm ưng ý. Người bạn khuyên mua cả pin mới và cũ, hoặc đầu tư mới để tránh rủi ro về chất lượng và hiệu suất", anh Phương cho biết. Cuối cùng, anh chọn phương án kết hợp pin cũ và mới với tỷ lệ 50:50.
Theo quản trị viên một nhóm về điện mặt trời với hơn 150.000 thành viên, pin mặt trời tháo mái đang là câu chuyện "nóng" vài tuần qua. "Trước đây, hầu hết chủ đề là về bán hàng. Còn gần đây, số thành viên tham khảo và xin tư vấn về lắp các loại pin cũ tăng nhanh", admin này nói. Trong đó, nhiều người cho biết cũng gặp trường hợp giống anh An khi mua pin tháo mái. Hầu hết phải vứt bỏ và thay mới.
Trong khảo sát của VnExpress ngày 3/7, 53% số người tham gia nói đang dùng pin mặt trời tháo mái, trong khi 10% cân nhắc sẽ mua. Một số cho biết pin tháo mái đa phần là pin lỗi ở trang trại điện mặt trời, như lỗi hư diot, hư cell. "Chúng bị thải loại nên dù được sửa chữa vẫn không thể có hiệu suất và chất lượng tốt được", độc giả QuocHuy cho hay.
Theo ông Nguyễn Hiệp, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Miền Trung, pin tháo mái hiện nay thường có nguồn gốc từ những dự án hoàn thành sau 31/12/2021 - mốc thời gian cuối cùng để nhận ưu đãi của chính phủ về điện mặt trời.
"Chủ đầu tư dự án chọn cách gỡ pin bán thu hồi vốn", ông Hiệp nói. "Chúng đã được lắp đặt một lần nên vẻ ngoài không hoàn thiện, có thể trầy xước, nứt vỡ, lỏng hoặc đứt phần module kết nối. Pin bán ra cũng đã vài năm, nên việc truy xuất nhà phân phối ban đầu để bảo hành không dễ".
Ông Hiệp cho biết người dùng vẫn có thể sử dụng nếu ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, không nên triển khai trong khu dân cư và hộ gia đình. "Chúng có thể gặp vấn đề khi tháo lắp và vận chuyển, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ, chập cháy khi sử dụng. Nên dùng ở xa khu dân cư, như để bơm tưới, dùng nước trong rẫy hoặc các khu vực không tiếp cận được nguồn điện", ông Hiệp nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng đối với pin tháo mái, người dùng cần chọn sản phẩm xác định được nguồn gốc xuất xứ và đại lý phân phối để dễ bảo hành về sau.
Trong khi đó, theo ông Ngô Thư, người từng kinh doanh trong lĩnh vực điện mặt trời tại TP HCM, ngoài nguồn cung từ các dự án hoặc những người ngừng sử dụng điện mặt trời, pin tháo mái thực ra còn là pin tái chế, hàng thải được nhập từ nước ngoài về qua đường tiểu ngạch.
"Chúng tận dụng cell pin cũ, đóng khung lại, bán dưới dạng 'pin tháo mái', chủ yếu qua hình thức trực tuyến với giá rất thấp nhằm kích thích tâm lý ham rẻ", ông Thư cho hay. "Với loại này, nhẹ thì hiệu suất phát điện không như yêu cầu, không phát điện phải vứt bỏ, nặng hơn nữa có thể gây chập cháy nguy hiểm".
Theo ông, mua pin mặt trời tháo mái chỉ dành cho người thực sự hiểu và chấp nhận rủi ro. Còn người dùng phổ thông nên chọn đơn vị phân phối uy tín, bảo hành và hỗ trợ kỹ thuật lâu dài để tránh chi phí phát sinh, "tiền mất tật mang".
Bảo Lâm