"Không thể tin được", một khách du lịch người Canada tay cầm máy ảnh, quay đi và nói. Khi đó, người phụ nữ làm dáng với cái đầu đung đưa ở một nơi xa tít so với vai, cố nài bán một vài món đồ lưu miện cho anh ta, ngay bên ngưỡng cửa căn lều tranh tre của chị. Những người phụ nữ thuộc cộng đồng Kayan này có tục lệ đeo vòng đồng bằng cổ từ khi còn rất nhỏ. Chiếc vòng cứ dài ra theo năm tháng khiến cổ họ mềm, dài và luôn luôn phải gắn với thứ đồ này. Nhiều năm qua, việc đi xem những phụ nữ "cổ dài" ở làng Kayan, trên biên giới Thái - Miến, đã trở thành một trong những thứ hấp dẫn du khách nước ngoài. Đổi lại, khách du lịch giúp cho dân làng một khoản tiền khiêm tốn khi mua đồ lưu niệm. Dân làng này chủ yếu là những người di cư từ Myanmar. Tuy nhiên Liên hợp quốc đang can thiệp và kêu gọi tẩy chay hình thức du lịch này, vì cho rằng người Kayan đang bị nhốt trong một "vườn thú người". Zember và gia đình cô rời bỏ Myanmar cách đây 18 năm, cùng với hàng chục nghìn người khác. Nhưng thay vì ở trong các trại tị nạn, những người "cổ dài" được đưa về sống ở một khu riêng. Kể từ đó cộng đồng người Kayan đã phình lên và hiện có độ 500 người. Cao ủy LHQ về người tị nạn chủ trương đưa họ đến định cư ở New Zealand, nhưng chuyện này vẫn còn vướng mắc. "Ít nhất chúng tôi ở đây được an toàn và kiếm được chút tiền", Mu Pao, mẹ của Zember, nói. Mỗi khách du lịch khi vào xem khu định cư của người Kayan phải trả phí 8 USD. Nhiều người có tuổi trong làng cũng đồng ý với Mu Pao. Họ coi việc kiếm được ít tiền bằng cách để du khách nhìn chằm chằm vào mình là chuyện chấp nhận được. Nhưng những người trẻ hơn nghĩ khác. Zember là một trong những cô gái như thế. Tức giận với cách kiếm sống thường ngày, cô đã bỏ vòng cổ. "Lúc đầu tôi cũng cảm thấy không thoải mái", co nói và gãi nhẹ vào cổ. Những chiếc vòng đồng, qua nhiều năm, đè lên vai và xương quai xanh của người phụ nữ, khiến cổ của họ trông như bị kéo dài ra. "Cái vòng đó khiến tôi phải chịu đựng nhiều điều", cô nói. "Tôi đâu có đeo vòng cho khách du lịch ngắm. Tôi đeo vòng vì truyền thống mà thôi". Mai Trang (theo BBC) |