Đầu năm mới, nhà sản xuất thông báo series hài kịch đình đám về các đề tài thời sự, xã hội trở lại sau 19 năm vắng bóng. Thông tin khiến nhiều khán giả bồi hồi nhớ kỷ niệm về chương trình.
Gặp nhau cuối tuần phát sóng từ tháng 4/2000 đến tháng 12/2006. NSND Khải Hưng - "cha đẻ" chương trình - nhớ trong một lần đi qua đoạn đường Lê Duẩn - Cửa Nam (Hà Nội), ông thấy băng rôn giới thiệu chương trình Gặp nhau và cười, quy tụ diễn viên hai miền. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng làm chương trình hài dài hơi, mang đến tiếng cười cho khán giả truyền hình mỗi dịp cuối tuần. Đạo diễn suy nghĩ nhiều đêm rồi viết đề án. Ban lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam khi ấy thích thú ý tưởng nên phê duyệt rất nhanh. Chỉ sau vài số phát sóng, chương trình nhận phản hồi tích cực.
Bích Hằng, 34 tuổi, Phú Thọ, nhớ bắt đầu xem chương trình khi mới học cấp một. "Mỗi trưa thứ bảy, cả nhà tôi đều quây quần chờ đợi show. Xem một lần chưa đã, tôi còn đòi bố mẹ mua đĩa lậu thu hình các tiểu phẩm, xem đi xem lại", Bích Hằng nói.
Theo nhiều khán giả, các tiết mục hài tạo tiếng cười văn minh, nội dung nhẹ nhàng, gần gũi nên được yêu thích. Bà Minh Hà, 63 tuổi, Hà Nội, nhớ nhất bộ ba trưởng thôn Văn Hiệp, Quang Tèo, Giang Còi, thường xuất hiện trong những tiểu phẩm chủ đề nông thôn. Quang Tèo, Giang Còi ăn mặc giản dị như nông dân thứ thiệt, lúc nào cũng đối đầu nhau, phải có trưởng thôn giảng hòa.
"Tôi thích các tập Quang Tèo, Giang Còi diễn cảnh người nhà quê ra phố, rất duyên dáng, hài hước. Nay 'bác trưởng thôn' Văn Hiệp và Giang Còi đã mất, chỉ còn mỗi anh Quang Tèo", bà Hà ngậm ngùi.
Ngoài ba nghệ sĩ trên, bà Hà còn thích các tiểu phẩm hài công sở của nhóm diễn viên Phạm Bằng (vai giám đốc) và Hương Tươi (thư ký), các phần tấu hài về đời sống vợ chồng của Vân Dung - Quang Thắng hay những màn đối đầu của cặp Tự Long - Xuân Bắc.
Bên cạnh các diễn viên chuyên nghiệp, nhân vật bác sĩ Hoa Súng do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đóng cũng được nhiều khán giả yêu mến. Ông làm việc tại Bệnh viện Tâm Hồn, có thể bốc thuốc cho mọi loại bệnh. Những vấn đề đời sống, xã hội được lồng ghép qua những buổi khám của ông.
Thùy An, 32 tuổi, Vĩnh Phúc, nhớ cô và em gái khi ấy thường reo hò mỗi lần bác sĩ Hoa Súng xuất hiện. "Trong lúc chơi đùa với nhau, trẻ con thời ấy cũng đóng giả nhân vật, khám bệnh cho nhau. Thời ấy, nhà tôi chưa có máy tính, mạng internet. Truyền hình cũng không có nhiều chương trình giải trí. Gặp nhau cuối tuần là món ăn tinh thần quý, được mọi thành viên trong gia đình yêu thích. Khi chương trình phát sóng số chia tay, tôi nhớ mình còn khóc", Thùy An cho biết.
Ngoài các tiểu phẩm hài, Hoàng Hải, 41 tuổi, Hà Nội, nhớ các video hát nhép nổi tiếng một thời qua chương trình. Có một thời gian, êkíp quay video nghệ sĩ nhép theo các nhạc phẩm thịnh hành lúc bấy giờ. Ca sĩ thể hiện bài hát cũng được mời đến trường quay để xem sản phẩm. Với khán giả Phương Anh, hai MV ấn tượng nhất là Vẫn nhớ (ca sĩ Tuấn Hưng) và Thôi đừng chiêm bao (Lệ Quyên). Trong bài Vẫn nhớ, nghệ sĩ Xuân Bắc đóng người đánh giày, thầm thương một cô gái xinh đẹp thường đi ngang qua. Ở bài Thôi đừng chiêm bao, nghệ sĩ Quang Thắng đóng kẻ trộm, đột nhập đúng nhà người yêu cũ - Vân Dung.
Series còn thành công nhờ sự dẫn dắt của MC Thảo Vân. Khán giả Văn Túy, 56 tuổi, Phú Thọ, nói: "MC có giọng nói hay, truyền cảm, nụ cười lộ răng khểnh rất duyên. Trong nhiều tiểu phẩm, cô ấy không chỉ dẫn chương trình mà còn phối hợp diễn xuất cùng các nghệ sĩ". Series từng có MC khác dẫn thay nhưng không để lại nhiều ấn tượng, theo khán giả Văn Túy. Ông cho rằng Thảo Vân là một phần không thể thiếu của Gặp nhau cuối tuần.
Hà Thu