Sau bữa cơm tất niên bên gia đình, 20h10 tối 30 tháng Chạp (24/1), nhiều khán giả ngồi trước tivi theo dõi Gặp nhau cuối năm. Chương trình do Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) thay thế series Táo quân như mọi năm. Tác phẩm mang đến tiếng cười thông qua câu chuyện làng Vũ Đại thời hội nhập với mong muốn làm du lịch để phát triển kinh tế. Những cái tên quen thuộc trong tác phẩm Nam Cao, Vũ Trọng Phụng và tích chèo dân gian như Thị Màu, Lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở, Xuân Tóc Đỏ... bước ra sân khấu qua sự thể hiện của nghệ sĩ Xuân Hinh, Quốc Khánh, Vân Dung, Tự Long... Các nhân vật được xây dựng theo màu sắc giễu nhại so với nguyên tác.
Chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hòa nhập không hòa tan được thể hiện qua câu chuyện phát triển của làng. Thông qua câu chuyện Lão Hạc (Quốc Khánh) mong làng mở homestay phát triển du lịch. Xuân tóc đỏ (Xuân Bắc) và bà phó Đoan (Thanh Thanh Hiền) đi xa mang tiền về cải tạo làng. Cả hai gợi ý chặt cây đa, lấp giếng và đập cổng làng nhằm thay đổi diện mạo ngôi làng. Người dân hô to khẩu hiệu đổi mới nhưng không ai đủ can đảm phá bỏ biểu tượng vốn trở nên thân thuộc với bao thế hệ người dân.
Cuối cùng nhân vật Lão Hạc nói: "Nếu anh đập, cả làng anh toang luôn đó" khiến tất cả tỉnh ngộ. "Bao đời nay, nếp sống của người làng được ghi tạc ở cổng làng, là những nét đẹp về phong tục, tập quán riêng biệt. Lũy tre thấp thoáng đàng xa. Mấy mươi bước nữa về qua cổng làng, trong lòng bỗng thấy xốn xang. Quê hương hai tiếng nặng mang suốt đời..." lời kết của anh Nô (Tự Long) khiến nhiều khán giả xúc động.
Thông điệp giữ gìn truyền thống quê hương được khán giả thích thú. Anh Minh Long (32 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc) bày tỏ: "Những người con xa quê như chúng tôi vài năm trở về một lần rất mong muốn được nhìn thấy cây đa, giếng nước, sân đình quen thuộc. Quê hương phát triển là tốt nhưng những nét truyền thống nên được giữ lại để nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội".
Chương trình nhắc tới những vấn đề xã hội nổi bật trong năm qua. Câu chuyện người dân Hà Nội phải dùng nước nhiễm dầu của nhà máy nước sông Đà được đề cập phần đầu, khi Chí Phèo trổ tài hát "Để tao nói cho mà nghe" (biến tấu cảm hứng từ ca khúc Để Mị nói cho mà nghe của ca sĩ Hoàng Thùy Linh). Vấn đề ô nhiễm không khí, bụi mịn được diễn tả khi Mõ xui "đệ tử" đứng ở cổng làng, hướng mặt về thành phố hít thở 20 phút mà không chết không làm người. Ngoài ra tuyến đường sắt trên cao chậm tiến độ, thịt heo tăng giá, truyền thông bẩn, nạn câu view rẻ tiền.. được nhắc tới.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết: "Chúng tôi cố gắng tạo một chương trình hấp dẫn, phù hợp với không khí đêm 30 mà nhiều tầng lớp khán giả xem truyền hình thấy vui vẻ, thoải mái. Gặp nhau cuối năm phiên bản mới có những thông điệp tích cực, ý nghĩa mang tầm xã hội mà êkíp sản xuất muốn gửi đến mọi người".
Gặp nhau cuối năm sử dụng nhiều câu nói hài hước, phổ biến trên mạng trong năm qua như "Đi đu đưa đi", "Lúc đi hết mình lúc về hết tiền", "làng bao việc", "toang"... Các xu hướng văn hóa - giải trí được yêu thích trong năm 2019 như trào lưu làm Youtube, bài hát của Bích Phương, Hoàng Thùy Linh... được lồng ghép, khiến khán giả thích thú.
Khán giả Nguyễn Liên (37 tuổi, Thanh Hóa) tiếc nuối khi chương trình thiếu vắng Công Lý. "Nghệ sĩ duy nhất trong dàn Táo quân không tham gia Gặp nhau cuối năm là Công Lý. Nét duyên dáng, chua ngoa, đanh đá của Bắc Đẩu sẽ mang lại nhiều tiếng cười". Tuy nhiên, sự xuất hiện của nghệ sĩ Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền mang lại sự mới mẻ. Thế mạnh ca hát của cả hai tạo ra nhiều điểm nhấn thú vị cho vở kịch.
Chương trình ghi điểm ở các khâu phục trang, bối cảnh và diễn xuất của nghệ sĩ. Trang phục đẹp, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với tính cách nhân vật. Sân khấu thực cảnh được thiết kế hiện đại, đậm tính nghệ thuật với màn hình led, hiệu ứng ánh sáng chất lượng. Ngoài các màn tấu hài của nghệ sĩ, tiểu phẩm còn dàn dựng nhiều phần múa, hát đan xen các loại hình nghệ thuật như ballet, belly dance (múa bụng), xiếc... Nhiều khán giả phản ánh phần kịch còn sử dụng ngôn từ thô tục như "chết bố rồi", "hộc máu chết tươi", "mả cha nhà mày"... không phù hợp với nhiều khán giả xem truyền hình, nhất là trẻ em. Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến so sánh Gặp nhau cuối năm với chương trình Táo quân mọi năm. "Không thể vượt qua cái bóng của Táo quân", "Đây là bản sao thiếu hoàn chỉnh của Táo quân rồi", "Táo quân nhưng không có Bắc Đẩu"... nhiều người bình luận.
Hiểu Nhân