Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, 5 bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu vào đêm 9/3 trong tình trạng nguy kịch, người mệt lả, nhợt nhạt vì nôn, tiêu chảy nhiều; đặc biệt có một người bị sốc, trụy tim mạch, huyết áp tụt. Tiên lượng các bệnh nhân vẫn nặng vì bắt đầu có biểu hiện men gan tăng.
Theo tiến sĩ Sơn, loại nấm các bệnh nhân ăn được gọi là nấm tán trắng. Thịt nấm mềm, màu trắng, mùi thơm dịu, gần giống nấm thường vì thế nhiều người nghĩ không phải nấm độc. Thực tế, nấm này ăn rất ngọt nhưng độc tính cao, tác dụng chậm. Như vụ ngộ độc trên, sau một ngày ăn phải nấm độc các bệnh nhân mới có biểu hiện.
Nấm độc thường có đặc điểm là có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc. Bộ phận độc nằm trong toàn bộ quả nấm: mũ, phiến, cuống, vòng, bao gốc. Độc tố thay đổi theo màu, theo giai đoạn sinh trưởng của nấm, phụ thuộc vào môi trường đất đai, không khí.
Mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển. Đây là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và một số khu vực miền núi khác như Tây Nguyên. Theo thói quen, người dân vẫn hái nấm để ăn. Tuy nhiên, do hiểu biết hạn chế, nhiều người đã không phân biệt được nấm độc với nấm lành, nên hái nhầm nấm độc về sử dụng cho cả gia đình.
Dưới đây là một số quan niệm không đúng về nấm độc:
- Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ.
- Nấm bị sâu bọ ăn là nấm không độc. Thực tế tất cả loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn.
- Thử cho động vật (gà, chó...) ăn trước, nếu sau 1-2 giờ động vật không chết hoặc không bị ngộ độc là nấm không độc. Điều này chỉ đúng với một số loại nấm tác dụng nhanh. Đối với các loại nấm gây chết người thường có tác dụng chậm, 12-24h mới có triệu chứng đầu tiên nên không thể nhận biết ngay và động vật chỉ chết sau ăn nấm 4-5 ngày.
- Thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền..., làm bằng bạc nếu thay đổi màu xám đen thì là nấm độc. Điều này hoàn toàn sai, các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu.
Tiến sĩ Sơn khuyến cáo, người dân chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đầy đủ các phần của thể quả... Không ăn thử nấm, dứt khoát loại trừ nấm khi còn nghi ngờ. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm. Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
Khi bị ngộ độc nấm thì phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất. Chú ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến đến cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm.
Nếu từ lúc ăn đến khi có biểu hiện bệnh dưới 6 tiếng thì có thể điều trị tại trạm y tế xã, bệnh viện huyện. Nếu hơn 6 tiếng thì phải đưa đến bệnh viện tỉnh, nơi có điều kiện lọc máu.
Phương Trang