Gặp vấn đề dạ dày, đại tràng nhiều năm, gần đây, chị Minh, trú Tây Hồ, được người quen giới thiệu liệu trình thải độc, súc ruột tại nhà. Người bán cam kết phương pháp thải độc này giúp "tống khứ virus, vi khuẩn có hại trong đại tràng, cải thiện tiêu hóa và khỏe mạnh hơn chỉ sau một tháng".
Ngoài ra, người bán còn tư vấn "đại tràng là bộ não thứ hai, là nhà rác của cơ thể, cần thải độc, làm sạch bộ phận này giúp giấc ngủ sâu hơn, tinh thần sảng khoái, làn da khỏe mạnh hơn, cải thiện da mụn, nám, sạm..."
Bộ dụng cụ gồm 500 g bã cà phê, một bình nhựa dung lượng 2.000 ml, một bộ dây nối truyền chất liệu mềm, một lọ dầu dừa dạng xịt 130 ml để bôi trơn khi truyền. Chị được cam kết sản phẩm chính hãng, cà phê hữu cơ 100%, dầu dừa ép lạnh nguyên chất, không dùng chất bảo quản, hạn sử dụng 12 tháng.
Người phụ nữ được hướng dẫn trộn 15 g bột cà phê hòa với 300 ml nước sạch, đun sôi từ ba đến 7 phút. Sau đó lọc bỏ bã cà phê và thêm nước ấm 37-38 độ C. Cuối cùng, cho cà phê vào túi, treo túi lên một mét và đưa ống truyền vào hậu môn trong khoảng 7-10 phút.
"Thực sự là khi nghe tư vấn, tôi bị thuyết phục hoàn toàn, nhắm mắt mua mà không một chút nghi ngờ", chị nói, thêm rằng cảm thấy cà phê tốt cho sức khỏe, giúp chống oxy hóa và thải độc nên càng tin tưởng.
Tuy nhiên, sau hai tuần, nữ nhân viên văn phòng cảm thấy nôn nao, chóng mặt, sụt cân, tiểu rắt nên tạm ngừng. Lo ngại vấn đề sức khỏe, chị đến viện khám, được chẩn đoán suy nhược cơ thể, vùng hậu môn bị trợt do đưa ống truyền vào, "may mắn chưa bị nhiễm trùng hay nguy hiểm tính mạng".
Cũng lên mạng tìm các phương pháp thải độc cơ thể, chị Sơn, 40 tuổi, ở Cầu Giấy, phát hiện cách thải độc tại nhà bằng bã cà phê. Chị cho biết, một kg cà phê hữu cơ, dùng 3 tháng, giá 800.000 đồng. Chị được hướng dẫn thải độc liên tục mỗi ngày, từ tuần thứ hai có thể chia ba ngày thải một lần. Dịp cuối năm, thường xuyên đi ăn tất niên, chị có thể thải hai lần một ngày để cơ thể nhẹ nhõm hơn.
Sau ba tuần sử dụng, chị không cảm nhận được hiệu quả như quảng cáo, tần suất đi vệ sinh nhiều hơn, trung bình 10 lần mỗi ngày, thậm chí nửa đêm, khiến sinh hoạt bị đảo lộn, cơ thể mệt mỏi, căng thẳng. Trong quá trình thải độc, người phụ nữ bị mắc cúm A, sốt cao, buồn nôn và nôn, phải nhập viện vì triệu chứng cúm nặng. Tại bệnh viện, các bác sĩ nói cơ thể chị bị mất nước, suy kiệt, phải dùng nhiều phương pháp bù nước kết hợp thuốc kháng virus cúm, nếu không bệnh sẽ nghiêm trọng.
Chị Minh hay chị Sơn chỉ là hai trong nhiều trường hợp tìm đến các phương pháp thải độc bằng cách thụt rửa đại tràng, nhất là cận Tết, càng nhiều người muốn cơ thể nhẹ nhõm, khỏe mạnh để đón năm mới. Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người chia sẻ video tự thải độc tại nhà, thu hút hàng trăm đến hàng triệu lượt xem, cam kết "đã thải là nghiện" và không có tác dụng phụ. Khi được hỏi "vì sao bác sĩ khuyến cáo không nên thải độc", người bán cho rằng phương pháp này chưa được viết thành y khoa hay nghiên cứu mà dựa trên trải nghiệm cá nhân. Nhiều người còn khẳng định phương pháp này áp hiệu quả với cả thai phụ, bị trĩ, trẻ em vì "ai cũng cần thải độc".
Theo trang Healthline, thanh lọc đường ruột bằng cà phê là hình thức làm sạch ruột được sử dụng trong y học thay thế. Trong quá trình này, một hỗn hợp cà phê đã pha, có chứa caffeine và nước sẽ được đưa vào ruột qua hậu môn, trực tràng. Thải độc đại tràng bằng cà phê được cho là có tác dụng kích thích dòng chảy của mật và sản xuất glutathione, một chất chống oxy hóa giải độc.
Tuy nhiên, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM), cho biết đây là cách làm phản khoa học, vi phạm y đức và đến nay không có một cơ sở khoa học hay nghiên cứu nào trên thế giới nói rằng truyền cà phê có thể thanh lọc, thải độc cơ thể như lời đồn thổi.
Theo ông Phương, cơ thể con người đã có cơ chế thải độc qua bài tiết mồ hôi, đi vệ sinh, hít thở, vệ sinh thân thể. Trường hợp thụt tháo đại tràng khiến khoáng chất, vi khuẩn tốt và xấu bị xổ ra ngoài, mất cân bằng điện giải. Việc thụt rửa cũng chỉ đưa nước lên một đoạn đại tràng, "tuyệt đối không thể làm sạch toàn bộ ruột như quảng cáo".
Còn bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết thụt rửa ruột già thực ra là một thủ thuật y khoa, được chỉ định trong trường hợp cần nội soi đại tràng; hoặc người bệnh táo bón lâu ngày, không thể đi đại tiện, người bệnh xơ gan có hội chứng não gan cần thụt tháo để đưa toàn bộ hệ vi khuẩn đường ruột ra ngoài. Hình thức này phải được thực hiện tại bệnh viện, do bác sĩ trực tiếp tiến hành.
Việc bơm cà phê vào hậu môn trong thời gian dài khiến đại tràng giảm kích thích, làm mất cảm giác mót rặn, phụ thuộc vào thụt tháo. Ngoài ra, thụt rửa từ hậu môn dẫn đến nhiều tai biến như tổn thương niêm mạc, trầy xước, thủng rách vỡ đại trực tràng, nhiễm vi khuẩn, chưa kể xử trí những tai biến này ở nhà không hề dễ dàng. "Nếu không được bù nước kịp thời, bệnh nhân có thể phải cấp cứu, chậm trễ sẽ ảnh hưởng tới tính mạng", bác sĩ nói.
Hình thức thải độc này nguy hiểm hơn với những người có bệnh về đường ruột như viêm ruột mạn tính, trĩ gây nhiễm trùng cấp, tử vong. Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, thận, hay rối loạn điện giải, ung thư càng không nên thụt rửa, dẫn đến mất nước và chất điện giải gây rối loạn nhịp tim.
Ngoài ra, cơ thể có cơ chế thải độc riêng, không cần đến các thủ thuật thụt tháo. "Y khoa hiện nay không có bằng chứng là chúng ta 'bị độc' và cần phải giải, bởi cơ thể có thể cân bằng và điều chỉnh các tổn thương trong cơ thể. Các độc tố, nếu có, cũng sẽ luôn được cân bằng và đào thải ra ngoài", ông Tiến cho hay.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, ba trường hợp tử vong được báo cáo trong y văn dường như có liên quan đến thải độc đại tràng bằng cà phê. Tạp chí American Journal of Gastroenterology, Mayo Clinic cũng cho rằng việc làm sạch ruột có thể gây hại sức khỏe, thậm chí tử vong. Trường Y thuộc Đại học Harvard nói sạch ruột bằng cách thụt tháo sẽ gây nguy cơ mất nước, mất cân bằng điện giải, suy giảm chức năng ruột và phá vỡ hệ vi khuẩn đường ruột.
Bác sĩ khuyến cáo, để đường ruột khỏe mạnh, người dân cần uống trên hai lít nước mỗi ngày, khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và cá, hoa quả. Giảm ăn đường, ăn đủ chất béo lành mạnh có trong bơ, hạnh nhân, đậu phộng, hạt macadamia, quả phỉ, cá béo, dầu ô liu và dầu dừa... Hạn chế thịt đỏ hoặc ăn quá nhiều thức phẩm bổ dưỡng.
Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích. Tập thể dục để bài tiết mồ hôi, duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc. Tuyệt đối không nghe theo quảng cáo hay lời đồn thổi, coi thường tính mạng, rước bệnh tật vào cơ thể.
Minh An
*Tên nhân vật được thay đổi